Công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thực thi quyền con người (QCN) là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa và chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”; Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 09/11/2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước ta trong lãnh đạo, chỉ đạo là bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ QCN, quyền công dân, hoàn thiện các cơ chế bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền công dân.
Từ chủ trương đến hành động
Để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến tháng 01/2022, Quốc hội đã thông qua 39 luật, trong đó có nhiều văn bản qui phạm pháp luật quan trọng liên quan đến QCN, quyền công dân. Điển hình như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi năm 2020)… Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động tích cực tham gia sớm các công ước quốc tế chủ chốt về QCN. Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước của Liên hợp quốc về QCN, từ đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ, bảo đảm và thực thi QCN, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm QCN, quyền công dân.
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ, bảo đảm và thực thi các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cụ thể:
Đối với các quyền dân sự, chính trị: Thời gian qua, các quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin ở nước ta luôn được bảo đảm và trở thành một trong những biện pháp hữu hiệu, tích cực góp phần đẩy lùi nạn quan liêu, tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực khác trong xã hội. Theo số liệu công bố của Công ty WeAreSocial và Hootsuite năm 2022, tỷ lệ người dân Việt Nam dùng Internet ở mức 73,2% dân số, số người dùng mạng xã hội chiếm 78,1% dân số. Tỷ lệ dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khóa XV là 89 người, chiếm 17,84%. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ khóa XV nước ta đạt 30,26%(3). Với kết quả này, Việt Nam đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á, đứng thứ 51 trên thế giới và đứng thứ 4 ở châu Á về tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ.
Đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Đây là quyền hiến định, được cụ thể hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để bảo vệ quyền này Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) qui định hình phạt đối với tội “Xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác”; các tín đồ tôn giáo được tự do thờ cúng, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo, pháp luật đã điều chỉnh nhiều qui định về thời gian, thủ tục… Đến nay, nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26,7 triệu tín đồ, trên 55 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự… Ngoài ra, hàng năm có trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia.1 Hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước, bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và tổ chức tôn giáo.
Về bảo đảm quyền sống, quyền tự do đi lại và cư trú: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tiếp tục bỏ án tử hình ở 8 tội danh; không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi… Nhà nước đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan; bảo đảm quyền sống của người dân trong đại dịch COVID-19 và những giải pháp an sinh xã hội được người dân trong nước đồng tình ủng hộ và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đối với quyền kinh tế, văn hóa, xã hội: Về kinh doanh, nước ta có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai châu Á với tỷ lệ khoảng 36% (chỉ đứng sau Philippines 37,46%). Về giáo dục, Nhà nước ta ưu tiên đầu tư bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm học phí cho từng nhóm đối tượng trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em đều được đi học. Hiện nay, Việt Nam đã nỗ lực bảo đảm miễn học phí cho mầm non và cấp tiểu học. Hằng năm, nhiều nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học nhận được những danh hiệu cao qúy, được cấp bằng lao động sáng tạo và các giải thưởng khoa học.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về văn hóa từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, điển hình như: Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi năm 2009),Luật Quảng cáonăm 2012,Luật Xuất bản năm 2012,Luật Thư viện năm 2019… Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa – du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch. Trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2022, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam xếp hạng thứ 77, tăng 2 bậc so với năm 2021. Về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), theo xếp hạng của LHQ năm 2020 Việt Nam xếp thứ 51/193 quốc gia thành viên của LHQ.
Giai đoạn 2016-2020, theo công bố của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Năm 2022, có gần 29,8 triệu thẻ BHXH/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng. Đến ngày 30/11/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đã hỗ trợ cho gần 123 nghìn lượt doanh nghiệp với gần 5,3 triệu lượt lao động. Mới đây, ngày 11/10/2022 Việt Nam vinh dự được các quốc gia tiếp tục tin tưởng bầu vào thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ thứ 2 (2023-2025).
Những số liệu trên là minh chứng sống động cho những nỗ lực không ngừng của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua, thể hiện trách nhiệm, sự quyết tâm và mức độ cam kết cao của Việt Nam trong bối cảnh điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc bảo vệ, bảo đảm và thực thi các QCN, quyền công dân xuyên suốt các giai đoạn phát triển đất nước từ khi có Đảng thể hiện bản chất và mục tiêu tốt đẹp của Nhà nước ta – Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Đẩy mạnh thực thi quyền con người trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN
Để góp phần khắc phục các hạn chế đang tồn tại nhằm bảo vệ, bảo đảm và thực thi QCN được tốt hơn trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đích, thực thời gian tới nên tập trung giải quyết tốt một số vấn đề mang tính giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về QCN, quyền công dân. Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục nhanh chóng nội luật hoá các điều ước quốc tế về QCN mà Việt Nam đã tham gia; tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở; Luật Tài nguyên nước, Luật Viễn thông, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Đấu thầu; Luật Công an nhân dân, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo hiểm xã hội… Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng theo kế hoạch trình Quốc hội phê chuẩn các luật mới cụ thể hóa quyền đã được qui định trong Hiến pháp mà hiện nay chưa có luật như: quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù, quyền không bị tra tấn…
Hai là, thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết liên quan đến QCN, quyền công dân. Việc tuyên truyền cần chú ý bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, hình thức phong phú, đa dạng, nội dung bảo đảm ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm công dân trong xã hội. Đồng thời nâng cao năng lực công tác đấu tranh phản bác các luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch, phản động về tình hình bảo vệ, bảo đảm, thực thi QCN ở Việt Nam.
Ba là, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với cộng đồng, xã hội, chính là sức mạnh nội sinh giúp công dân “tự miễn dịch”, vượt qua mọi khó khăn, thách thức cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là vấn đề vô cùng ý nghĩa, cấp thiết, có giá trị to lớn đối với xã hội, nhất là trong bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thiếu khách quan, phiến diện, quy chụp, bao thủ.
Bốn là, thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” qua đó, tạo ra sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân vào chính quyền, cơ quan nhà nước.
Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu tiến tới thành lập Ủy ban quốc gia về QCN. Hiện nay, không có một khuôn mẫu chung về xây dựng cơ quan nhân quyền cho các quốc gia trên toàn thế giới. Mô hình Thanh tra Quốc hội hay Tòa án hiến pháp hoặc Ủy ban nhân quyền/ Trung tâm QCN quốc gia là sự lựa chọn chủ yếu của các quốc gia. Qua nghiên cứu các mô hình cho thấy, Việt Nam có thể nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn thành lập Ủy ban quốc gia về QCN với lộ trình thích hợp. Việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia về QCN là tất yếu khách quan, là cần thiết ở nước ta, tuy nhiên đây là vấn đề phức tạp, hệ trọng, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, không nên nóng vội, chủ quan.
Về cơ sở lý luận và thực tiễn, lựa chọn thành lập Ủy ban quốc gia về QCN là hoàn toàn phù hợp Hiến pháp năm 2013, phù hợp với bản chất của chế độ ta và phù hợp với Nhà nước pháp quyền XHCN, khả thi với bối cảnh thực tiễn của đất nước. Về ý nghĩa, thành lập thiết chế này thể hiện thái độ tích cực, nghiêm túc, sự nỗ lực và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy QCN, quyền công dân. Ủy ban được thành lập có chức năng bảo vệ và thực thi QCN. Với vị thế và chức năng đặc biệt, cơ quan này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy QCN ở nước ta. Sáu là, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật các hành vi lợi dụng dân chủ, nhân quyền nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời tăng cường đối thoại nhằm mục tiêu tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Đối thoại là một trong những phương án hữu ích, có hiệu quả cao được lựa chọn, sử dụng để bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật về dân chủ, nhân quyền ở nước ta mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tạo ra.
Tạp chí Nhân quyền Việt Nam số tháng 2/2023