Bài viết phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo đảm quyền con người (QCN) gắn liền với xây dựng nhà nước pháp quyền, trên cơ sở đó chỉ ra yêu cầu và xác định các giải pháp cơ bản nhằm tăng cường bảo đảm QCN, quyền công dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới.
Quan điểm của Đảng về bảo đảm quyền con người gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền
Vấn đề bảo vệ QCN đã được Đảng quan tâm ngay trong thời kỳ đầu lãnh đạo cách mạng. Kể từ khi Đổi mới (1986), cùng với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, sự quan tâm của Đảng với việc bảo đảm QCN càng rõ nét. Đại hội VI của Đảng (1986) đã khẳng định: “Cùng với việc chăm lo đời sống Nhân dân, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã qui định” và “…bảo đảm quyền dân chủ thật sự của Nhân dân lao động, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của nhân dân”. Tại Đại hội lần thứ VII (1991), lần đầu tiên khái niệm QCN chính thức được ghi nhận trong văn kiện Đảng “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân vàQCN”,1 trực tiếp dẫn đến việc lần đầu tiên hiến định “QCN” trong Hiến pháp năm 1992 (Điều 50).
Xuất phát từ tình hình trong nước và thế giới, năm 1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về Vấn đề QCN và quan điểm, chủ trương của Đảng ta. Kể từ đây, vấn đề bảo đảm, bảo vệ QCN ngày càng được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội. Đại hội IX (2001) lần đầu tiên khẳng định trách nhiệm quốc gia về QCN: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế vềQCN mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”2. Đại hội X (2006) nhấn mạnh yêu cầu “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội”, gắn liền yêu cầu đó với việc bảo đảm QCN“Nhà nước phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân,QCN”3. Đại hội XI (2011) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) trong đó nêu rõ: “Tôn trọng và bảo vệ QCN, gắn QCN với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân”. Đại hội XII (2016) khẳng định: “Thực hiện QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013… hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền và nghĩa vụ của công dân”; “bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới”. Đại hội XIII (2021) nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là vai trò của các cơ quan nhà nước trong tôn trọng, bảo vệ QCN. Cụ thể, đối với Quốc hội, đó là “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng qui trình lập pháp,… tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp…”; đối với các cơ quan tư pháp, đó là: “…Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệQCN, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”.
Gần đây nhất, Nghị quyết 27-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” đã xác định, việc “Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ QCN, quyền công dân” là một trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn cần thực hiện để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp khác, đặc biệt là về hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…cũng liên quan mật thiết đến việc bảo đảm QCN.
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Có thể thấy để tăng cường bảo đảm QCN, quyền công dân ở nước ta, cần thiết phải hoàn thiện cả thể chế (hệ thống pháp luật qui định về QCN, quyền công dân) và thiết chế (hệ thống các cơ quan, tổ chức có tráchnhiệm tôn trọng và tham gia bảo vệ và bảo đảm QCN). Để tăng cường bảo đảm QCN, quyền công dân ở nước ta trong thời gian tới, cần có những điều kiện sau đây:
Thứ nhất, quán triệt đầy đủ và quyết tâm chính trị cao với việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm QCN
Nhận thức đúng đắn và quyết tâm chính trị của nhà nước có thể xem là điều kiện đầu tiên để bảo đảm các QCN trong bất kỳ xã hội nào. Điều đó là do QCN là một vấn đề rộng lớn, phức tạp và đôi khi bị hiểu nhầm là một “thách thức” đối với nhà nước, dẫn đến sự ngần ngại, e dè và tâm lý “đối phó” trong việc giải quyết các mối quan hệ về nhân quyền.
Như vậy, chỉ khi có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nguồn gốc, bản chất, ý nghĩa của QCN, xem đó là những giá trị cao quý chung của toàn nhân loại mà các nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và hiện thực hoá, thì mới có thể có quyết tâm chính trị cao và có những biện pháp bảo đảm các QCN trong thực tế một cách thực chất và hiệu quả. Quyết tâm chính trị cao đầu tiên là để vượt qua những trở ngại về nhận thức, sau đó là những trở ngại trong quá trình tổ chức thực hiện các QCN. Quyết tâm chính trị cao không chỉ được hình thành từ nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nguồn gốc, bản chất củaQCN, mà còn từ ý nghĩa của việc bảo đảm QCN với xã hội nói chung, và với sự tồn vong, bền vững của một nhà nước nói riêng.
Thứ hai, cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mối quan hệ khăng khít giữa việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiệnQCN với việc xây dựng thành công nhà nước pháp quyền.
Như đã phân tích ở các phần trên, QCN và nhà nước pháp quyền có một mối quan hệ gắn bó, trong đó QCN là trung tâm của khái niệm pháp quyền, vừa là một tiêu chí, vừa là một yêu cầu của nhà nước pháp quyền. Như vậy, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện QCN chính là một tiền đề hay điều kiện nền tảng cho việc xây dựng thành công nhà nước pháp quyền. Sẽ chưa thể có nhà nước pháp quyền nếu các QCN chưa được bảo đảm trên thực tế. Ngược lại, khi các QCN đã được bảo đảm đầy đủ, thì nhà nước pháp quyền về cơ bản đã được xây dựng thành công.
Thứ ba, cần có một khuôn khổ pháp luật hoàn thiện về QCN.
Mặc dù QCN là những giá trị tự nhiên, vốn có của mọi cá nhân thành viên của cộng đồng nhân loại, song những giá trị đó chỉ có thể được hiện hoá thông qua pháp luật. Với tính chất là hệ thống các qui tắc cư xử có hiệu lực bắt buộc mọi chủ thể trong xã hội phải tuân thủ, pháp luật đóng vai trò là công cụ để bảo đảm các QCN được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện trong thực tế.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần trên, để bảo đảm một cách thực chất và hiệu quả QCN, pháp luật quốc gia cần phải được xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, cũng như với các yêu cầu về sự công bằng, bình đẳng (just law)trong nhà nước pháp quyền. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần phải rà soát, cải cách không chỉ các luật về nội dung, mà còn các luật về thủ tục để không chỉ ghi nhận đầy đủ và đúng đắn các quyền, mà còn xác lập được cơ chế giám sát, khiếu nại và xử lý hiệu quả những vi phạm QCN.
Thứ tư, cần dành những nguồn lực thích đáng cho việc hiện thực hoá QCN.
Việc hiện thực hoá tất cả các QCN đều đòi hỏi những nguồn nhân, vật lực nhất định, tuy với mức độ ít nhiều khác nhau. Xét về nhân lực, Nhà nước cần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về QCN cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt trong một số ngành có liên quan trực tiếp đến QCN, như hệ thống các cơ quan tư pháp. Xét về vật lực, Nhà nước cần phân bổ nguồn ngân sách lớn cho các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá – nhóm quyền cần nhiều kinh phí đảm bảo. Đối với các quyền dân sự, chính trị, mặc dù yêu cầu về kinh phí không nhiều như nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, song Nhà nước vẫn cần dành ngân sách cho giáo dục, tuyên truyền, duy trì hoạt động của các cơ quan tư pháp và các cơ quan khác đóng góp vào việc ngăn ngừa và xử lý vi phạm nhân quyền.
Thứ năm, cần tiếp tục duy trì đối thoại và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực QCN.
Như đã đề cập ở phần trên, QCN là một giá trị phổ quát, được ghi nhận, bảo vệ bằng các tiêu chuẩn và cơ chế của luật nhân quyền quốc tế có hiệu lực toàn cầu. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quảQCN, các quốc gia nhất thiết phải phối hợp tốt với các thiết chế và đối tác quốc tế. Trong đó, cần duy trì đối thoại giữa các quốc gia, giữa quốc gia với các tổ chức quốc tế để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đặc biệt là trao đổi sự khác biệt trong cách hiểu và thực thi QCN ở mỗi nước, qua đó giúp cho sự hiểu biết lẫn nhau, giảm khác biệt, tránh đối đầu.
Hợp tác quốc tế về QCN hiện đã là yêu cầu bắt buộc đối với mọi quốc gia bởi lẽ không có một quốc gia nào trên thế giới có thể “đứng ngoài” các cơ chế quốc tế về lĩnh vực này. Mặc dù là yêu cầu bắt buộc, song hợp tác quốc tế về QCN thường đem lại nhiều lợi ích hơn là sự “phiền toái” với các nhà nước, đặc biệt khi nhà nước đó có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và có quyết tâm chính trị cao trong việc bảo đảm QCN. Đối với những nước đang phát triển, lợi ích của hợp tác quốc tế không chỉ thể hiện ở việc nhận được sự tư vấn kỹ thuật, mà còn ở việc nhận được các nguồn hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ, thúc đẩy QCN. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền thể hiện qua nhiều cấp độ, mức độ khác nhau (toàn cầu, khu vực; tham gia các điều ước và cơ chế giám sát…). Về nguyên tắc, một quốc gia tham gia hợp tác quốc tế về nhân quyền ở càng nhiều cấp độ, mức độ khác nhau thì càng có cơ hội được hưởng nhiều lợi ích hơn, vì vậy càng có điều kiện bảo đảm tốt hơn các QCN ở nước mình.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo đảm QCN, song trước những yêu cầu đặt ra với việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cần thiết phải tăng cường hơn nữa việc bảo đảm QCN, quyền công dân trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện cả thể chế và thiết chế về bảo đảm QCN, thông qua nhiều giải pháp về nâng cao nhận thức, củng cố quyết tâm chính trị, hoàn thiệnkhuôn khổ pháp luật, tăng cường hợp tác quốc tế và dành những nguồn lực thích đáng cho việc hiện thực hoá QCN trong thực tế.■
Tạp chí Nhân quyền Việt Nam số tháng 2/2023
1Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.Sự thật, H.1991, tr.19
2Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2001, tr.134.
3Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, tr.72.