21 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng Ba 29, 2023
spot_img

Bão trời hay bão nhân tâm?

1. Từ thủa loài người còn sống bày đàn, con người chỉ có cách tìm hang đá nương náu, thiên tai luôn là mối đe dọa sự sống còn đối với muôn loài trên thế gian, đến khủng long cũng bị tuyệt chủng, đến núi cũng bị nhấn chìm sâu trong đại dương. Những truyền thuyết dù ở đâu cũng đều giải thích những hiện tượng bất thường, bất khả tri và bất khả kháng của thiên tai, con người chỉ có thể dự báo qua quan sát hiện tượng tự nhiên, qua quan sát bằng các thiết bị hiện đại, chỉ có cách phòng, tránh, không cản trở được siêu lốc, siêu bão, núi lửa. Tổ tiên ta đã đúc kết mức độ nguy hiểm của từng loại hiểm họa đe dọa tính mạng và sự bình yên của con người: “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Đại hồng thủy là sức mạnh của thiên tai khủng khiếp nhất, xưa đã thế và mãi vẫn sẽ là như thế. Không một chính đảng hay tổ chức xã hội nào có thể sai khiến hoặc thay thế được siêu nhiên. Không hiểu nước Mỹ hay nước Nhật đã “phạm tội gì” mà nhiều năm qua phải hứng chịu những cơn siêu bão chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại. Biến đổi khí hậu là lẽ tự nhiên, sự thay đổi cấu trúc địa chất hay sự vận động của khí quyển đều không phụ thuộc vào ý chí hay tình cảm của con người. Những hiện tượng biến đổi khí hậu trước hết là do thiên nhiên không bất định, đương nhiên trong đó còn có nhiều yếu tố do con người tác động, phải chịu trách nhiệm (ví như: phát khí thải làm nóng nhiệt độ bầu khí quyển, khai thác mỏ quặng, khai thác rừng, vắt kiệt nguồn nước…), đó là những vấn đề có tính toàn cầu, không phải của riêng quốc gia nào. Châu Phi sa mạc là bởi tự nhiên tạo nên, toàn cát hấp thụ nhiệt nên sức nóng bỏng da, thiếu nước, thiếu lương thực, lại thêm chiến tranh nên người dân lâm vào cảnh khốn đốn, di cư hàng loạt. Châu Á – Thái bình Dương, là nơi rốn bão, không thể di rời sang châu Âu để tránh bão lũ. Biển Đông là nơi hình thành nhiều cơn bão lốc trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm, những nước như Phi – líp – pin, Nhật Bản, Việt Nam thường phải hứng chịu “cơn thịnh nộ” của bão tố “xuất thân” từ biển Đông, hàng triệu năm rồi.

2. Miền Trung của chúng ta từ xưa tới nay, do vị trí địa lý nên luôn chịu nhiều thiệt thòi, nóng lắm, mưa nhiều, bão dữ. Trong các cuộc nội chiến thời phong kiến hay trong các cuộc chiến tranh vệ quốc thời hiện đại, đây cũng chính là vùng đất hứng chịu nhiều thách thức, gian khó, chịu nhiều mất mát, hy sinh, thiên nhiên và cuộc sống đã hun đúc nên vùng đất này giàu truyền thống lịch sử, cách mạng. Từ khi có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, miền Trung dấu yêu luôn nêu cao chí khí kiên trung cách mạng, góp phần quan trọng dựng xây cơ đồ Việt Nam độc lập, thống nhất, vững bước dựng xây cuộc sống mới ngày một ấm no, hạnh phúc, tươi đẹp. Đảng, Nhà nước đã có nhiều quyết sách đưa dải đất miền Trung sớm thoát khỏi nghèo đói, phong trào thi đua yêu nước “Gió Đại phong” trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước là tấm gương sáng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Thành Huế nổi dậy kiên cường trong Mậu Thân 1968, Thành cổ Quảng trị sau 81 ngày đêm đỏ lửa mùa hè năm 1972, sự nổi dậy mau lẹ với khí thế triều dâng thác đổ giải phóng quê hương, góp gió thành bão trong đại thắng mùa xuân năm 1975 là khúc tráng ca của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những địa danh như Cầu Hiền Lương, Đồng Lộc, Truông Bồn, Chu Lai, Mỹ Sơn, Nghĩa trang Trường Sơn, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, những con người anh dũng vô song như Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Mẹ Suốt, Mẹ Thứ…mãi là đuốc thiêng trong hồn lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sau 35 năm cùng cả nước đổi mới, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, từng địa phương trên dải đất miền Trung đang thay đổi diện mạo tươi đẹp hơn; nhiều cụm công nghiệp hiện đại ra đời đã làm nên đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế; xây dựng nông thôn mới cùng với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại đã thay da đổi thịt cho thôn quê; nhiều khu du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn nhất mang tầm quốc gia, quốc tế, vừa là sinh kế cho người dân, vừa quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước thân yêu. Đó là câu trả lời sinh động về mối quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào miền Trung. Tất nhiên, khi nói về thành tựu phát triển của đất nước nói chung, của miền Trung nói riêng, cũng phải thẳng thắn thừa nhận còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, những hạn chế, khuyết điểm do chủ quan, khách quan đều được thẳng thắn chỉ rõ trong văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025 ở từng địa phương. Những vấn đề nan giải như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, tàn phá rừng, khai thác khoáng sản vô tội vạ, đánh bắt tận diệt hải sản, xây dựng thủy điện thiếu tầm chiến lược…đều ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội ở miền Trung. Để khắc phục tình trạng đó, không phải một sớm, một chiều, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp định hướng chính trị, tăng cường quản lý nhà nước, xử lý nghiêm minh các sai phạm. Đảng, Nhà nước đã ban hành luật, nghị quyết, chỉ thị, qui định để thể chế hóa quan điểm phát triển bền vững đất nước.

3. Bão ở miền Trung đã và đang gây tổn hại về người và của, nhức nhói đau thương đồng loại, nhiều nguyên thủ quốc gia gửi lời chia sẻ, động viên, viện trợ cứu giúp đồng bào ta qua cơn hoạn nạn. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công An, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội đang lăn xả vào cứu người. Theo lẽ đời, thấy người gặp nạn thì phải xúm tay, mở lòng mà cứu giúp, đó là đạo làm người. Tuy nhiên, có không ít những kẻ cam tâm lấy cái chết, sự đau thương tang tóc của đồng bào mình mà nhân danh “lòng hiếu sinh” để rỏ những giọt nước mắt cá sấu, buông những lời lăng mạ, hằn học, thiếu văn hóa, thiếu đạo lý nhân sinh. Những kẻ đó, bỏ được mấy đồng trinh vào “hòm công đức”, phải chăng họ nhét đầy thùng thâm thù chế độ bằng tất cả vốn văn hóa méo mó. Người có đạo chân chính thì nên cầu nguyện cho quốc thái dân an, còn kẻ đội lốt Chúa và Phật thì lại đang “xả lũ” rác rưởi lên nền chế độ. Những hình ảnh và những lời bình luận thiếu tính nhân đạo mà họ cố công dàn dựng chỉ phản ánh một điều: Lòng thâm thù sẽ đẻ ra vô vàn quái thai chính trị, gây ô uế đạo lý làm người.

Sau hiểm họa ắt phải có rút kinh nghiệm, để giảm tránh thiệt hại, nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể bắt thiên nhiên phải “rút kinh nghiệm”, cần phải nâng cao cảnh giác trước diễn biến phức tạp của thiên nhiên. Nhưng qua mỗi lần gặp họa, càng lộ rõ bản chất đen tối của những kẻ luôn núp trong bóng tối, ném đá giết người lương thiện. Nên cũng phải nâng cao cảnh giác trước những thông tin kích động hèn hạ như kiểu mà “nhật ký yêu nước” đang dàn dựng. Vi rút gây đại họa Coovid-19 đang đe dọa nhân loại và người dân Việt Nam, nhưng Đảng, Nhà nước, toàn hệ thống chính trị vào cuộc, Nhân dân đồng lòng, nên Việt Nam trở thành điểm sáng cho thế giới học hỏi. Nén đau thương, vượt qua thách thức, sau bão táp cùng chung sức đồng lòng sưởi ấm lòng và rào dựng vững chắc hơn ngôi nhà đại đoàn kết toàn dân tộc. Người dân ở miền Tây Quảng Nam đã tự hào khi lấy họ Hồ làm nguồn sáng tinh thần theo Đảng, theo Bác Hồ. Ánh sáng linh thiêng đó mãi soi đường chỉ lối cho đồng bào ta đi tới tương lai. Mặc cho thứ vi rút chính trị ra sức phá hoại.

Trần Văn Lãm

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất

Hương Sen Việt