
Câu chuyện Xô viết Nghệ Tĩnh
Nguyễn Công Nghệ
1. Khủng hoảng, áp bức, kiệt quệ và “tức nước vỡ bờ”
Giai đoạn 1929-1933, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến các chính quyền tư bản phải thi hành nhiều chính sách nhằm cứu vãn quyền lợi cho giai cấp tư sản thống trị và tay sai ở các nước thuộc địa. Một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và do sự áp bức bóc lột tàn khét của thực dân Pháp, ở Việt Nam, đói kém, thất nghiệp, kiệt quệ ở mọi nơi nông thôn, thành thị ngày càng trầm trọng. Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội và sự áp bức bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã cho người dân Việt Nam hiểu rằng muốn sống phải vùng lên làm cách mạng.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Cùng với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, nhiều cuộc đấu tranh của giai cấp nông dân cũng diễn ra ở nhiều nơi, với các hình thức như đòi chia ruộng đất công của làng xã, đòi lại các khoản bị hào lý tham nhũng…
Phong trào đó diễn ra sục sôi nhất ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Liên tiếp nhiều đợt trong năm 1930 công nhân và nông dân thành phố Vinh biểu tình lớn, cùng với nông dân các làng xã huyện lân cận cũng biểu tình kéo vào thành phố phối hợp với công nhân các nhà máy đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm thuế, phản đối chính sách khủng bố của chính quyền thuộc địa… Cờ đỏ và truyền đơn xuất hiện ở nhiều nơi… Bấy giờ, làn sóng đấu tranh cách mạng của quần chúng đã buộc chính quyền Pháp phải thi hành một số chính sách đối với người lao động như trả tự do cho một số người bị bắt trong các cuộc biểu tình, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, hoãn thuế cho nông dân…
Ngày 1/8/1930, nhân kỷ niệm Ngày quốc tế đỏ, toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy tổng bãi công, phản đối chiến tranh đế quốc, kêu gọi công nhân đoàn kết với nông dân và binh lính đấu tranh chống chính quyền thuộc địa. Tiếp đó, nhiều cuộc biểu tình, bãi công diễn ra ngày càng quyết liệt, nhiều cuộc biểu tình có sự phối hợp giữa công nhân và nông dân khiến chính quyền thuộc địa lo sợ ăn ngủ không yên. Cụ thể như công nhân nhà máy Diêm Bến Thủy đấu tranh liên tục và được công nhân nhà máy Xe lửa Trường Thi, công nhân bốc vác thành phố Vinh hưởng ứng và ủng hộ… Các cuộc đấu tranh của nông dân Thanh Chương biểu tình đòi hoãn thuế, bỏ thuế hoa lợi; nông dân Anh Sơn, Nghi Lộc, Nam Đàn, Quỳnh Lưu biểu tình đòi khất sưu, hoãn thuế… đã lan rộng ra hầu khắp các huyện ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
2. Chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh
Tháng 9/1930, phong trào của công nông phát triển tới đỉnh cao. Ngày 1/9, cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra bao vây, trấn áp tổng lý ở các làng một số huyện ở Nghệ An. Hơn 2000 nông dân có tự vệ hỗ trợ đã biểu tình, giương cao các biểu ngữ yêu cầu thả những công nhân Bến Thủy đã bị bắt, kéo về bao vây huyện lỵ, thiêu hủy huyện đường và truy bắt tri huyện, phá nhà lao… dẫn đến sự tan rã của chính quyền thực dân ở các làng, xã trong huyện.
Sau các cuộc biểu tình quyết liệt đầu tháng 9/1930 đó, chính quyền Xô viết hình thành khắp các làng, xã của huyện Thanh Chương, Nam Đàn và nhiều vùng khác thuộc Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn… Còn ở Hà Tĩnh, các Xô viết cũng xuất hiện ở nhiều xã của huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… Trong các Xô viết, quần chúng nhân dân tự tổ chức, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội và đó chính là những Xô viết đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam – Xô viết Nghệ Tĩnh.
Lo sợ trước cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thực dân Pháp đã tiến hành các biện pháp khủng bố dã man. Ngày 12/9, cuộc biểu tình của 8.000 nông dân ở Hưng Nguyên và Nam Đàn bị dìm trong biển máu, bị máy bay ném bom của Pháp sát hại hơn 200 người và làm hơn 100 người bị thương.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng thực hiện “Tuyên bố về việc bảo vệ Nghệ An đỏ chống khủng bố trắng”. Ở Trung Kỳ, Nam Kỳ và Bắc Kỳ, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển rộng lớn, làn sóng biểu tình to lớn diễn ra với nhiều hình thức phong phú, thể hiện tinh thần đoàn kết, ủng hộ, bảo vệ Xô viết Nghệ Tĩnh, chống “khủng bố trắng”. Nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hương Sơn… vẫn tiếp tục tổ chức biểu tình, phản đối hành động dã man của chính quyền thực dân. Công nhân các nhà máy khu Vinh – Bến Thủy tiếp tục đấu tranh quyết liệt hơn để đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống sa thải công nhân, ủng hộ các cuộc biểu tình của nông dân…
Dù bị chính quyền thuộc địa đàn áp trong biển máu, do phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và vũ trang bạo động lập chính quyền Xô viết khi trình độ cách mạng của Đảng và quần chúng trong nước chưa đủ tầm, thời cơ chưa chín, khả năng kinh nghiệm tổ chức vũ trang bạo động chưa có. Nhưng các Xô viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã thực thi chức năng chính quyền nhà nước, tỏ rõ bản chất Xô viết và tính ưu việt vì dân.
Xô viết Nghệ Tĩnh với chính quyền kiểu mới do nhân dân làm chủ là một câu chuyện hay đã để lại một trang vàng lịch sử chói lọi tinh thần đấu tranh quả cảm cho độc lập tự do của các tầng lớp nhân dân lao động…/.