32 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Năm 30, 2023
spot_img

“Chân Trần Chí Thép” khắc họa chân thực về tinh thần con người Việt Nam

“Chân Trần Chí Thép” khắc họa chân thực và thú vị về tinh thần con người Việt Nam

Tác giả James G. Zumwalt của “Chân Trần Chí Thép” từng tham chiến tại Việt Nam. Cha ông là Đô đốc Elmo R. Zumwalt, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam, sau này là Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ. Năm 1968, Tư lệnh Elmo Zumwalt đã phát động chiến dịch rải Chất độc Cam dọc các bờ sông ở miền Nam Việt Nam để lại hậu quả nặng nề cho đất nước và người dân Việt Nam. Nhiều chiến binh Mỹ trở về từ cuộc chiến cũng bị phơi nhiễm chất độc này, trong đó có người con trai cùng tên Elmo R. Zumwalt III của ông. Elmo R. Zumwalt III đã qua đời năm 1988 vì ung thư, hậu quả của phơi nhiễm chất độc.

Sau chiến tranh, Đô đốc Zumwalt đã trở lại Việt Nam để thúc đẩy các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh. Ông cũng là người ủng hộ Tổng thống B. Clinton ra quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ – Việt.

Năm 1994, James Zumwalt lần đầu tiên cùng cha mình – Đô đốc Zumwalt – trở lại Việt Nam trong một chuyến đi nằm trong nỗ lực tìm hiểu tác hại của Chất độc Cam lên sức khỏe con người. Chính từ chuyến đi ấy, J. Zumwalt đã được tiếp xúc với nhiều vị tướng lĩnh cấp cao, các cựu quân nhân từng tham gia cuộc chiến chống Mỹ cũng như những người dân thường.

Sau chuyến đi năm 1994, ông còn trở lại Việt Nam nhiều lần nữa. Mỗi một chuyến đi, mỗi một cuộc gặp cho ông thêm một cái nhìn mới, một nhận thức mới về đất nước và con người Việt Nam. Khi hiểu biết ngày càng chân thực, sâu sắc thì lòng thù hận âm ỉ bấy lâu tan biến, thay vào đó là sự thông cảm, chia sẻ, và trên hết là sự khâm phục đối với những người từng ở bên kia chiến tuyến – mà giờ đây ông đã coi là bạn bè.

Các cuộc tiếp xúc cũng giúp J. Zumwalt, cuối cùng, đã hiểu rõ đâu là nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến ấy. Ông kinh ngạc khi phát hiện ra rằng, những người Việt Nam CHÂN TRẦN đã bước vào cuộc chiến với một CHÍ THÉP, sẵn sàng chiến đấu trường kỳ tới chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất Tổ quốc non sông mới thôi. Ông nhìn nhận: “Trong Chiến tranh Việt Nam, người Mỹ dựa vào sức mạnh công nghệ vũ khí vượt trội; người Việt Nam phải dựa vào những thứ khác. Họ quay về truyền thống của mình – đó là truyền thống chống ngoại xâm có từ ngàn đời, khi đất nước liên tục bị xâm lăng… Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại – một CHÍ THÉP – giúp họ thực hiện được điều tưởng chừng không thể. Để cuối cùng, CHÂN TRẦN VÀ CHÍ THÉP đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới.”

Không phải ngẫu nhiên mà “Chân Trần, Chí Thép” được đánh giá cao về mặt nội dung. Trong cuốn sách, cuộc chiến được đặc tả thông qua con người thật, sự việc thật, sự kiện đã diễn ra và qua quan điểm của một cựu binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam. Sự khác biệt ngôn ngữ hay khác biệt quan điểm ấy không ngăn cách được những trái tim đồng cảm trước sự thật, cuối cùng là sự đồng cảm đến tận cùng. Bởi chiến tranh, dù thắng hay thua thì tổn thất là không thể đo đếm được. Có những gia đình không có ngày đoàn tụ. Có những người mẹ vĩnh viễn mất đi người con của mình. Có những chiến sĩ chiến đấu đến giây phút cuối cùng vì lý tưởng và niềm tin thống nhất non sông đất nước… Và còn đó những hành trình không mệt mỏi của những người còn sống tìm kiếm hài cốt đã mất của người đồng đội.

Những câu chuyện trong “Chân Trần, Chí Thép” đều gắn với một con người cụ thể, có thể là một cô văn công, có thể là một vị tướng, cũng có thể là một người dân thường… Sự đa dạng ấy khiến “Chân Trần, Chí Thép” trở nên chân thật đến trần trụi khi khắc họa chiến tranh và hậu quả chiến tranh. Nhưng tràn ngập trong Chân Trần, Chí Thép là tinh thần hòa hợp hiếm có giữa những bên đã từng là kẻ thù thì nay là bạn. Tinh thần hòa hợp ấy từng bước góp phần chữa lành vết thương của những con người từng tham dự vào cuộc chiến, và rồi nó sẽ mở ra cánh cửa cho tương lai bằng nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, hàn gắn vết thương của những người đi qua chiến tranh và cả những người bị ảnh hưởng về tinh thần hoặc thể chất, những nỗi đau chất độc Da Cam…

J. Zumwalt cho rằng, “Một số ý kiến của chính quyền Mỹ cho rằng nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách hợp lý, không có áp lực chính trị, thì người Mỹ đã chiến thắng. Trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1994, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng giờ đây, tôi đã nghĩ khác. Chuyển biến trong tôi chỉ diễn ra sau khi tôi thấu hiểu được rằng người Việt Nam có một ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất đất nước mới thôi.

Không nơi nào mà quyết tâm được thể hiện rõ như thái độ những người sống và chiến đấu dọc Đường mòn Hồ Chí Minh và địa đạo Củ Chi. Hiểu được quyết tâm duy trì Đường mòn cũng như bám trụ tại địa đạo Củ Chi chính là hiểu được “Chí Thép” của họ. Đó chính là Ý chí thép đặc trưng và rất đặc biệt của người Việt Nam, vốn đã thôi thúc họ tiến lên để giành chiến thắng trong cuộc chiến trước người Mỹ…” Mỗi trang sách đều toát lên tính nhân bản sâu sắc, tình thương yêu và sự cảm thông giữa con người với con người – đánh tan mọi định kiến, thù hằn và cả những xuyên tạc về cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân cách mạng do chính Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây thật sự là một cuốn sách có giá trị và đáng đọc – để thấu hiểu thêm một thời máu lửa hào hùng của dân tộc Việt Nam – và chúng ta thế hệ sau không được phép quên ơn những hy sinh và cống kiến để có được những năm tháng hòa bình hôm nay../.

Trà Việt

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất