36 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Năm 30, 2023
spot_img

Chuyện trời, chuyện đất, chuyện nhân tâm

Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 năm 2020 là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc. Ảnh: Vân Anh/VOV.VN

Khi nói tới trời đất là nói tới lẽ tự nhiên của tạo hóa, con người ở giữa trời đất, ai kết nối, hội tụ được 3 thành tố trên thì người đó đáng ở ngôi Vương. Mỗi khi gặp khó khăn, thách thức thì người ta hay kêu “ôi trời đất ơi, khó quá”, mỗi  khi thành đạt người ta cũng thầm cảm ơn “nhờ trời”. Tuy nhiên, có một điều mà phải ai từng trải nghiệm trên đời thì mới thấu hiểu rằng “khó đo lòng người”. Nói về chuyện trời tức là nói tới đấng siêu nhiên, không ai cản được mà chỉ biết tuân theo “thuận thiên”. Nói tới chuyện đất là nói tới sự sống của muôn loài dưới ánh nắng mặt trời, sự sống con người không tách khỏi sự sống vạn vật, bất chấp màu sắc, hình thù, vạn vật đều mang thiên chức riêng. Con người nhờ có trời và đất nên mới có được cuộc sống, biết dùng trí tuệ thông minh để tạo lập cuộc sống ngày càng khá hơn. Nhân tâm còn quan trọng hơn, đó là nhân lõi duy trì xã hội loài người. Khi nói tới nhân tâm chỉ nói tới 2 điều thiện và ác đối lập, cùng tồn tại trong mỗi người. Thế giới thần linh, ma quỉ là sự tưởng tượng của con người hòa trộn giữa trời và đất (âm và dương). Sự hình thành một dân tộc được biến thiên qua hàng ngàn năm lịch sử, chịu sự tác động liên tục, sâu sắc của trời, đất và lòng người. Dân tộc Việt Nam có được như ngày nay đã trải qua hàng ngàn năm đối mặt, đương đầu, vượt lên khổ đau, thách thức của trời đất, mưu trí, cần cù dựa vào trời đất mưu sinh, kiên trung bảo vệ quyền tự chủ. Tình đoàn kết giữa người với người ở những vùng miền, lãnh thổ (thậm chí từng là những quốc gia văn minh gần nhau) đã mang lại một hình thể Việt Nam hình chữ S hướng ra Thái Bình Dương sóng gió, tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trên thế giới, ít có dân tộc nào lại hội tụ và đoàn kết được tất cả 54 dân tộc cùng chọn một tên gọi Việt Nam, cùng lấy chuyện Bọc trứng Âu cơ (hoặc những chuyện có hồn cốt chung gốc liền cành) để lý giải dân tộc mình là một thực thể trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Điều đó, không ai có thể bắt ép, vì truyền truyết là từ dân gian, bột phát trong suy nghĩ giản đơn, có pha ý tưởng huyền bí để nói lên tâm nguyện của con người. Câu chuyển “Bó đũa” luôn mãi là bài học cho sức mạnh của những cá thể khi biết sát cánh cùng nhau, dung dị mà thâm thúy. Câu chuyện Thánh Gióng, nghe thật mộc mạc, từ cơm, cà của người dân, tre làng nơi thôn quê với ngựa sắt, áo giáp sắt, mũ sắt, roi sắt của triều đình đã mang lại sức mạnh cho Phù Đổng Thiên vương.

Nhìn lại khắp lãnh thổ nước Việt Nam ta, thấy đâu đâu cũng có dáng hình rất đỗi tài hoa, dung dị của đồng bào dân tộc thiểu số, ở đô thị cũng có nơi đồng bào giỏi buôn bán, kinh doanh, sản xuất phát đạt; song đại đa số đồng bào đều bám trụ nơi non cao, rừng sâu, biên cương. Bên cạnh những thành tựu to lớn mà đồng bào dân tộc thiểu số dày công tạo dựng, góp phần tôn vinh quảng bá dân tộc Việt Nam, thì cũng phải cầu thị mà chỉ ra những điều còn ra rứt trong tâm. Cũng trời, đất này, nhưng đời sống của họ còn nhiều gian khó, còn bị nhiều chứng tai ác của thiên tai đe dọa, hủy hoại. Lại cũng có nơi vì con người chưa lường hết hệ lụy của phá rừng, khai quặng vô tội vạ …nên “khiến cho thần rừng, thần núi nổi giận”. Trời dường như không thương họ, còn đất cũng thường thử thách họ. Thế nên mới có nơi, đi cả ngày trời chưa tới nhà dân, có chỗ phải cõng đất bốc vào hỏm đá mà tra hạt ngô. Truyền thuyết hoa tam giác mạch cũng xuất phát từ một loài cây hoang dại giúp con người thay lương thực sống qua mùa đông giá rét. Chuyện đẻ đất đẻ nước cũng là một sử thi nói về bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn của con người đối với trời đất và cuộc đời. Biết bao cuộc binh đao nội quốc và ngoại xâm, đồng bào dân tộc thiểu số cũng cùng chung vai gánh vác sơn hà, đem tính mạng và của cải để bảo vệ chủ quyền dân tộc. Thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của tư tưởng bình đẳng giữa các dân tộc anh em được tỏa sáng, đồng bào dân tộc thiểu số tự giác đi theo Đảng, theo Bác Hồ, đánh đuổi giặc Tây, bảo vệ làng bản, biết học chữ, biết từ bỏ hủ tục để thay đổi tương lai. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được hiện thực hóa, làm thay da đổi thịt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Các giá trị văn hóa vật chất và phi vật chất của từng dân tộc thiểu số được trân trọng, bảo tồn, phát huy để lưu giữ hồn cốt nền văn hóa đa sắc màu dân tộc Việt Nam. Biết bao con người hiến dâng tuổi thanh xuân nguyện đưa con chữ, viên thuốc, tấm áo, điện sáng leo núi, vượt rừng về với bản làng, định hình nhân tâm giữa miền xuôi và miền ngược.  

          Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II diễn ra tại Thủ đô, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang náo nức thi đua ái quốc hướng về Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ với đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn lãnh thổ Việt Nam mà còn với tất cả người dân. Thực sự đó là tâm điểm của tư tưởng, chính trị, văn hóa, thể hiện nền dân chủ đích thực của nước Việt Nam; mở ra trang mới cho thời cơ phát triển, cùng nuôi dưỡng khát vọng phát triển, đưa cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện tốt hơn. Quan sát hình ảnh các đại biểu sát cánh bên nhau cùng dân hương tại Đền Hùng, cùng vào Lăng viếng Bác, lắng nghe các tham luận tại Đại hội, mới cảm nhận được tình đời, tình người thật ấm áp biết nhường nào, những lời Bác Hồ răn dạy năm xưa đã được hiện thực hóa, những quan điểm nhất quán trong nghị quyết Đảng thật đúng đắn, sáng suốt biết bao. Cây đời chế độ xã hội chủ nghĩa đã đơm hoa kết trái, nhưng đâu phải lẽ tự nhiên như vạn vật, mà nó đã phải được gieo trồng, vun xới trong giông tố, bảo vệ bằng trí tuệ, tâm huyết, máu xương của biết bao thế hệ. Nhưng thật đáng trách, ở đâu đó, có ai kia còn rao giảng những điều lạc lõng, xuyên tạc về quan hệ chính trị, quan hệ xã hội theo góc nhìn sắc tộc thô thiển. Bao năm rồi, những thế lực phản động luôn lựa chọn sắc tộc làm chiêu trò giả nhân giả nghĩa, thực tế đã và tiếp tục cho thấy, mọi sự kích động cũng khó lòng ngăn được tình đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Dưới trời này, dưới đất này, có một dân tộc Việt Nam không chỉ giỏi đánh giặc, không chỉ giỏi chế ngự thiên tai, mà còn biết gắn bó nhân tâm để làm cho đất đá cũng phải hồi sinh và nở hoa, kết trái.  

Liên Châu

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất