36 C
Hanoi
Thứ Bảy, Tháng Sáu 3, 2023
spot_img

CƠN SỐT ChatGPT KHÔNG ĐỂ THÔNG TIN ẢO DẪN DẮT

 Mới chỉ xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ ngày 10/2/2023 nhưng ChatGPT (Chat Generative Pre-Trained Transformer) – một phần mềm tương tác do Công ty OpenAI, trụ sở tại San Francisco, Mỹ phát triển, ra mắt vào cuối năm 2022, ngay lập tức tạo nên “cơn sốt” khi luôn nằm trong top từ khóa được tìm kiếm, trở thành chủ đề phổ biến trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Với các tính năng cơ bản gồm hỗ trợ xử lý thông tin, đối thoại, trợ lý ảo, khả năng đưa ra câu trả lời đầy đủ, nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, giao diện tương tác thân thiện như một cuộc trò chuyện, ChatGPT đã nhanh chóng trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử Internet. Lợi dụng sự quan tâm của dư luận đối với ChatGPT, các thế lực thù địch đang có xu hướng gia tăng việc khai thác, sử dụng ứng dụng này để xuyên tạc, vu cáo chế độ chính trị và bôi nhọ cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.

Lợi ích và những nguy cơ tiềm ẩn

Điều làm nên điểm khác biệt của ChatGPT nằm ở cách thức vận hành của ứng dụng này. ChatGPT có thể đưa ra trả lời cho mọi câu hỏi thuộc tất cả các lĩnh vực, nội dung trả lời được tạo ra trên cơ sở kiến thức từ kho dữ liệu văn bản ban đầu cực kỳ đa dạng, phong phú mà OpenAI đã tích lũy, cung cấp cho ChatGPT (bao gồm hơn 570GB tài liệu, 300 tỷ từ vựng). Kho dữ liệu này lớn dần theo thời gian và sự gia tăng số lượng người dùng ứng dụng, nhờ khả năng “học từ phản hồi của con người” (reinforcement learning from human feedback). Thông qua đối thoại, người sử dụng có thể đánh giá câu trả lời mà ứng dụng đưa ra, ChatGPT liên tục tiếp nhận phản hồi và tự nâng cấp, tinh chỉnh kiến thức của mình. Càng nhiều người sử dụng ChatGPT, ứng dụng này càng trở nên “hiểu biết” hơn.

 Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, ChatGPT có thể tạo ra cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Trong lĩnh vực giáo dục, Chat GPT cung cấp thông tin khá chính xác và cập nhật về các chủ đề giáo dục, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng truy cập và tìm hiểu thêm về một chủ đề cụ thể. Trong lĩnh vực nghiên cứu, ChatGPT giúp nâng cấp chất lượng nghiên cứu trên mọi lĩnh vực thông qua việc xử lý, tổng hợp dữ liệu thu thập được. Trong lĩnh vực tự động hóa, ChatGPT rút gọn qui trình nhập liệu và đơn giản hóa các thao tác trong việc quản lý chuỗi cung ứng, gia tăng năng suất làm việc. Trong lĩnh vực tài chính, ứng dụng có khả năng xử lý các truy vấn tài chính phức tạp, giúp tối ưu thời gian, chi phí nghiên cứu, phân tích tài chính…

Cùng với những lợi ích khi sử dụng ứng dụng ChatGPT hỗ trợ trong công việc và mọi mặt đời sống xã hội, sự phát triển của ứng dụng này tiềm ẩn một số nguy cơ như: (1) Hoạt động giáo dục có thể chịu tác động tiêu cực do giáo viên, học sinh sinh viên bị chi phối, lệ thuộc vào ChatGPT trong giảng dạy, học tập, gia tăng tình trạng gian lận trong thi cử (học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài tập, bài luận, nghiên cứu; giáo viên truyền tải kiến thức sai lệch do ChatGPT đưa ra những thông tin không chính xác về lịch sử, chính trị, chủ quyền biển đảo…); (2) Nguy cơ vi phạm quyền riêng tư đến từ hoạt động thu thập dữ liệu của ChatGPT, người dùng có thể vô tình cung cấp dữ liệu cá nhân/nhạy cảm và bị chia sẻ với các bên thứ ba mà không được thông báo/hỏi ý kiến. Việc người dân cung cấp thông tin cá nhân trên không gian mạng được coi là “miếng mồi béo bở” của hoạt động thu thập thông tin tình báo, tội phạm mạng, khủng bố; (3) Việc lạm dụng AI khiến khả năng tư duy của con người suy giảm, ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong nhiều ngành nghề, đặc biệt những lĩnh vực đòi hỏi năng lực tư duy, phản biện, phân tích, tổng hợp…  

Đáng chú ý, ChatGPT vận hành trên cơ sở tích lũy thông tin thông qua phản hồi, tương tác từ người sử dụng. Kết quả ứng dụng này đưa ra hoàn toàn dựa trên cơ sở những kiến thức ban đầu mà OpenAI cung cấp, cùng những kiến thức “tự học” từ người dùng, không có sự kiểm chứng về tính xác thực, do đó câu trả lời của ChatGPT không thể bảo đảm tính chính xác và đầy đủ.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin: “Nếu kho tài liệu này chứa các dữ liệu không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế – xã hội của Việt Nam, khả năng cao ChatGPT sẽ như một “đứa trẻ” bị nhồi các kiến thức, quan điểm không đúng về Việt Nam”. Trên khía cạnh an ninh, điều này đang và sẽ được các đối tượng phản động triệt để lợi dụng để hoạt động chống phá, đưa ra những thiên kiến chủ quan về tư tưởng, chế độ chính trị của Việt Nam, về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng XHCN ở Việt Nam. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý, ngăn chặn phù hợp, rất có thể các thế lực thù địch, bọn phản động sẽ sử dụng ChatGPT làm công cụ tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước khi “nạp” vào kho dữ liệu của ứng dụng AI này những thông tin sai lệch, luận điệu phản động.

Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn xuất hiện, các hoạt động lợi dụng ChatGPT đã diễn ra với một số phương thức, thủ đoạn nổi lên, như:

Thứ nhất, lợi dụng hình thức “hỏi – đáp” với ChatGPT, các đối tượng khởi xướng trào lưu công kích, bôi nhọ CNXH, bôi nhọ lãnh tụ, chế độ chính trị và lịch sử gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó tán phát ảnh chụp tương tác của ChatGPT nhằm kích thích, lôi kéo người dùng “trải nghiệm”. Điển hình là “Đài Á Châu Tự Do” đi đầu khởi xướng hàng loạt chủ đề như: “Hỏi xoáy đáp xoay với ChatGPT xem “Xã hội Chủ nghĩa có phải là thiên đường?”, “Dân dùng ngay ChatGPT đặt những câu hỏi về Bác và Đảng”, “Ai là cha già dân tộc Việt Nam?”, “Ai sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, “Ai đã cho ta một mùa Xuân đầy ước vọng?”, “Ai đã cho ta sáng mắt sáng lòng. Các tài khoản chống đối đẩy mạnh phụ họa, khơi mào “hỏi ChatGPT” với chủ đề như “chừng nào Việt Nam xây dựng thành công XHCN”…

Thứ hai, sử dụng thủ đoạn cắt dán, bịa đặt thông tin “hỏi – đáp” với ChatGPT để giễu cợt, kích động hoạt động tuyên truyền chống phá chế độ; quảng bá ca ngợi chủ nghĩa tư bản, lực lượng, tổ chức, cá nhân chống phá Đảng, Nhà nước. “Việt Tân”thường xuyên đăng tải các hình ảnh giao diện của phần mềm ChatGPT có nội dung xuyên tạc về Đảng, Nhà nước, qua đó phát tán những thông tin sai lệch cho giới trẻ và quảng bá hình ảnh nhằm tiếp cận, móc nối người tham gia tổ chức; dự định tổ chức chương trình hội luận trực tuyến chủ đề “ChatGPT là gì và những ảnh hưởng lên đời sống con người”. Số đối tượng chống đối, phản động như Nguyễn Văn Đài, Đường Văn Thái, Bạch Hồng Quyền… đẩy mạnh sử dụng ChatGPT bằng cách cắt dán, chỉnh sửa những đoạn hội thoại với ứng dụng có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phê phán chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ uy tín lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước và đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội facebook để lôi kéo đối tượng phản động, chống đối tham gia. Tài khoản “Vinh Râu” (Nguyễn Ngọc Vinh, TP. Hồ Chí Minh) giễu cợt: “Hỏi: Du học sinh người Việt ở Mỹ là ai? Đáp: Họ là con cái của các quan chức cộng sản giàu có nhờ buôn chổi đót”

Thứ ba, đẩy mạnh viết bài dưới dạng phân tích, ca ngợi tính “khách quan, trung lập, chính xác” của ChatGPT, đưa ra dự báo để bôi nhọ Đảng, Nhà nước, trong ứng xử với ChatGPT thời gian tới, cho rằng “ChatGPT sẽ bị cấm, quản lý chặt chẽ tại Việt Nam như mạng xã hội; tuyên giáo, lực lượng 47 sẽ can thiệp vào phần mềm”. Fanpage “Việt Tân” và một số đối tượng chống đối xuyên tạc: “ChatGPT mới ra đời, nhưng làm rúng động toàn cầu, đặc biệt là đối với những chế độ độc tài như Việt Nam…

Cùng với việc thổi phồng “tính nguy hiểm” của ChatGPT với chế độ, chúng tung tin “ChatGPT lấy dữ liệu từ những thông tin đã tải trên mạng để sắp ra câu trả lời. Đợt tới Đảng CSVN lại mất mớ tiền để viết những thông tin giả, thông tin tuyên truyền đưa lên mạng”, “Tương lai của lịch sử Việt Nam đang bị trao vào tay cái thể chế có thói quen thích thể hiện lịch sử qua lăng kính chính trị của riêng mình…”, “Trí tuệ thông minh” mà vào Việt Nam sẽ thành robot câm và đần thôi, sớm muộn gì, những loại câu hỏi tạo dữ liệu bị coi là  “phản động”…

Nhận thức đúng để khai thác giá trị tích cực của ChatGPT

Thực tiễn từ khi xuất hiện ứng dụng ChatGPT, công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ an ninh, tính xác thực, tác động tiêu cực mà ChatGPT mang lại, nhất là đối với ngành giáo dục, khoa học công nghệ, ứng dụng đã rất kịp thời. Báo chí đưa tin tổng hợp, cung cấp thông khá toàn diện về nguồn gốc, bản chất của ChatGPT, những đánh giá của giới khoa học, các công ty công nghệ nước ngoài về ứng dụng này. Báo chí, truyền thông tăng cường cảnh báo việc sử dụng ứng dụng ChatGPT tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ đó định hướng người dùng cần khai thác các giá trị tích cực và thận trọng với những mặt trái; đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu và ban hành các khuôn khổ pháp lý liên quan nhằm bảo đảm việc sử dụng ChatGPT hiệu quả.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc báo chí, truyền thông quá vội vàng đưa tin phủ ngập môi trường không gian mạng về một “siêu chatbot hỗ trợ mọi mặt đời sống xã hội”đã kích thích, thúc đẩy sự tò mò tiếp cận của người dân trong khi các cơ quan chức năng chưa thực sự chủ động phòng ngừa, nắm bắt vấn đề, cảnh báo về nguy cơ, tác hại, hạn chế của ứng dụng này, tạo ra lỗ hổng để các thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền xuyên tạc, chống phá với các thủ đoạn đã nêu như trên. Cùng với ChatGPT, nhiều công cụ, ứng dụng AI khác trong tương lai đặt ra những thách thức đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng của đất nước nói chung và mỗi người dân nói riêng.

Để chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, nắm và kiểm soát công nghệ cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tăng cường thiết chế, pháp luật đối với môi trường không gian mạng, các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu, hướng dẫn về cách thức giao tiếp, tương tác với ứng dụng ChatGPT và các ứng dụng tương tự; kịp thời bổ sung, hoàn thiện qui định pháp luật có liên quan để bảo đảm hành lang pháp lý trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, định hướng người dân về công cụ ChatGPT, sử dụng ứng dụng theo hướng tích cực; đấu tranh vạch trần thủ đoạn lợi dụng sự quan tâm đối với ChatGPT để thực hiện ý đồ chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đồng thời cần có sự giám sát chặt chẽ, xử lý nhanh chóng, kịp thời, nghiêm khắc các hành vi lợi dụng công cụ ChatGPT hay các ứng dụng AI tương tự để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nghiên cứu, chỉ ra những hạn chế, lỗ hổng về kỹ thuật và các nguy cơ vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia khi sử dụng và tương tác với ứng dụng ChatGPT và các ứng dụng tương tự để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn.

Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm định hướng đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cảnh giác, tỉnh táo, không bị ngộ nhận, lôi kéo theo các quan điểm tiêu cực, xuyên tạc trên không gian mạng; tích cực lan tỏa các quan điểm chính thống của các chuyên gia, các tổ chức uy tín trong nước nhận định về công cụ ChatGPT và thông tin cảnh báo của các cơ quan chức năng đến người sử dụng.■  

Box: ChatGPT vận hành trên cơ sở tích lũy thông tin thông qua phản hồi, tương tác từ người sử dụng. Kết quả ứng dụng này đưa ra hoàn toàn dựa trên cơ sở những kiến thức ban đầu mà OpenAI cung cấp, cùng những kiến thức “tự học” từ người dùng, không có sự kiểm chứng về tính xác thực, do đó câu trả lời của ChatGPT không thể bảo đảm tính chính xác và đầy đủ.

Tạp chí Nhân quyền tháng 2/2023


Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất