33 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Năm 30, 2023
spot_img

Cứu kinh tế thoát khỏi “mắc dịch” Covid19

Dân gian VN có câu “cái đồ mắc dịch” khi nói tới ai đó “khác biệt”, nay đại dịch Covid19 có thể khiến cho nhiều thứ khác như cả một doanh nghiệp hay cả một nền kinh tế cũng có thể “mắc dịch” mà lao dốc tăng trưởng, khủng hoảng thất nghiệp hoặc sẽ trở nên “khác biệt” sau đại dịch…

1. Tác động của Covid19 đến kinh tế rất khác biệt và sẽ tạo nên những “khác biệt”.

Dịch Covid19 chưa có dấu hiệu dừng lại và đang tác động đến mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất và các hoạt động lĩnh vực khác trên hầu khắp các quốc gia. Hơn thế sự chủ quan của con người “giúp cho” vi rút Cô rô na tạo ra sự bùng phát và tấn công mạnh vào các nền kinh tế khắp toàn cầu.

Theo Financial Post (Canada), chỉ trong vài tuần trung tuần tháng 3/2020, các nhà kinh tế Canada và Mỹ từ chỗ coi thường tác động của dịch Covid19, không tin vào nguy cơ suy thoái, đã phải nhanh chóng thảo luận mức độ thiệt hại do cơn đại dịch Covid19 gây ra. Hàng loạt ngân hàng, tổ chức tài chính của Canada, Mỹ, Châu Âu, Anh đều dự báo nguy cơ khủng hoảng tài chính, kinh tế là rất lớn. Hàng loạt thị trường chứng khoán tràn sắc đỏ, còn ngân hàng trung ương các nước hối hả tung biện pháp giải cứu nền kinh tế…

Các nhà lãnh đạo tài chính đều phải nhận định về tình cảnh khủng hoảng tài chính, kinh tế do Covid19 tác động sẽ rất khác biệt so với khủng hoảng tài chính năm 2008 trên thế giới hay các cuộc khủng hoảng khác thời kỳ hiện đại. Thực tế khủng hoảng do đại dịch Covid19 đã được ví như các cuộc khủng hoảng lớn nhất như chiến tranh thế giới 2 hay những đại dịch lớn nhất mà thế giới loài người từng chứng kiến.

Tình hình đang khó đoán tương lai. Theo một báo cáo gửi cho Quốc hội Mỹ, có dự đoán khoảng 150 triệu người Mỹ có thể bị nhiễm vi rút Cô rô na, trong khi Canada ước tính 30-70% dân số nằm trong vòng nguy cơ.

Tình hình leo thang đến mức khắp nơi trên toàn cầu mọi người được khuyến nghị hạn chế ra khỏi nhà, dẫn đến câu chuyện tiêu dùng giảm sút tồi tệ. Các gia đình ngưng chi tiêu, cửa hàng, quán ăn sẽ điêu đứng, rồi các khoản tiêu dùng lớn khác cũng ảnh hưởng theo, ví dụ như bất động sản. Doanh nghiệp sa thải hoặc cho nhân viên tạm nghỉ, thu nhập người dân giảm mạnh mẽ, thậm chí một bộ phận người lao động sẽ không cò thu nhập…

2. CPVN đã làm gì để tránh “mắc dịch” cho nền kinh tế

VN tuyên bố “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe người dân, chăm lo người nghèo, người mất việc vì đại dịch, lường trước tình huống xấu nhất để có phương án đối phó tốt nhất…

CP VN đang thực hiện biện pháp “15 ngày cách ly xã hội”, tận dụng thời gian vàng chống dịch Covid19. Mọi người được khuyến cáo “đứng im”, tối thiểu hoá mọi hoạt động.

Việc ngưng các hoạt động kinh doanh nhà hàng, trung tâm chiếu phim, trung tâm thương mại, quán bar, vũ trường… trên nhiều thành phố để ngăn chặn dịch lây lan. Nhiều giao dịch, hợp đồng kinh tế đã bị huỷ bỏ hoặc trì hoãn không thời hạn. Biện pháp hạn chế nhập cảnh với rất nhiều thị trường lớn đã được đưa ra.

Cách làm của Việt Nam không chỉ được người dân tin cậy mà còn được bạn bè quốc tế ngợi ca. Đại sứ Mỹ tại VN cũng thừa nhận, Chính phủ VN đã rất giỏi đương đầu với đại dịch Covid19.

Và “15 ngày cách ly xã hội” cũng là thời gian vàng tránh “mắc dịch” cho kinh tế.

Thành công kể từ ca bệnh đầu tiên ngày 23/1 cho đến nay 6/4 , VN có 240 ca nhiễm và chưa ghi nhận một trường hợp nào tử vong. Những ca nhiễm mới đã không tăng theo quy luật, không tăng theo cấp số nhân; 90 ca đã được chữa khỏi. Đó là kết quả lớn không chỉ hạn chế dịch ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người mà đó sẽ là một nguồn động lực kinh tế, là cơ sở để các hoạt động kinh tế có thể trở lại bình thường ngay khi hết dịch.

CP cũng đã kịp đưa ra các chính sách, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do tác động của dịch và các biện pháp ngăn chặn dịch. Hàng loạt hành động chia sẻ mang tính cộng đồng cùng nhau vượt qua dịch Covid19 như đồng loạt giảm giá cho thuê BĐS hoặc liên kết lại để tiết giảm chi phí ở mức tối ưu.

Nhiều DN sở hửu “tấc đất tấc vàng” đã giảm mạnh đến 40-80% với triết lý “cứu người là cứu mình” trong cơn “nguy” do đại dịch Covid19 chưa có dấu hiệu kết thúc. Hàng trăm tỷ đồng đã được toàn dân, gồm cả kiều bào VN ủng hộ (như số tiền ủng hộ 30 tỷ từ Jonathan Nguyễn, số lượng lớn máy trợ thở từ một người con VN sinh sống ở Nhật được nhắc đến gần đây…).

Có thể nói, toàn dân Việt đang cùng Chính phủ bước vào giai đoạn chống dịch như chống giặc với những biện pháp mạnh mẽ chưa từng có được áp dụng.

3. Cái khó không bó cái khôn!

Trong cuộc sống, rủi ro bao giờ cũng đi kèm với cơ hội. Chỉ có những ai đủ can đảm và gan dạ, với đủ bản lĩnh lòng tin sẽ chiến thắng.

Cộng đồng doanh nghiệp VN đang nỗ lực xoay xở để tồn tại trong đại dịch Covid19. Công nghệ đang được tận dụng tối đa một cách thông minh. Nhà hàng, quán ăn đã chuyển sang các ứng dụng gọi món, bán hàng online. Một sàn thương mại điện tử đã huy động nhân sự từ các bộ phận khác bổ sung vào lực lượng giao hàng, thêm cơ hội việc làm, shippers trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Và mới đây hãng hàng không, đường sắt bị cắt giảm chuyến bay chở khách chủ động tăng cường sang chở hàng hóa…

“Bơi hay chết chìm?”. Sẽ có DN bị chìm trong cơn đại dịch, cũng sẽ doanh nghiệp bứt lên, phát triển nhờ đầu tư, ứng dụng công nghệ thông minh. Cái khó không bó cái khôn. Nhưng chỉ có những ai đủ can đảm và gan dạ, với đủ lòng tin mới giành chiến thắng. Dịch bệnh dù nguy hiểm đến đâu cũng sẽ ra đi. Chỉ có con người còn lại với những thách thức mới khi kinh tế suy thoái kéo theo nhiều vấn nạn xã hội khác như thất nghiệp, nghèo đói. Chính vì vậy, ngay trong tâm dịch, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ lo cách ly xã hội mà còn phải tỉnh táo, có tầm nhìn nghĩ đến các giải pháp của ngày mai, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Dịch bệnh tưởng như làm tê liệt xã hội, tất cả ngành nghề, dịch vụ chậm lại hay ngưng nghỉ. Nhưng nhu cầu của xã hội vẫn tiếp tục, có chăng nó chuyển sang một đặc thù khác khi nhịp sống chậm lại mà thôi.

Khi dịch Covid19 qua đi, thị trường có lẽ sẽ khác ngày hôm qua. Thị trường đang thay đổi mạnh và cơ hội sẽ xuất hiện rất nhiều. Và cơ hội đó chỉ đến khi doanh nghiệp, ngay bây giờ, đã tiên liệu những điều tốt nhất có thể, trong đó bảo vệ nguồn nhân lực doanh nghiệp là điều tiên quyết.

Đó cũng là hướng CP VN đang làm vì nguồn lực của kinh tế mà CP coi trọng nhất chính là con người – mục tiêu tối tượng mà Đảng, Nhà nước VN luôn đặt ra trong mọi giai đoạn, vì họ xác định được mục tiêu của phát triển bền vững từ con người, do con người, vì con người, “người còn thì của còn”!.

Kinh tế VN vì thế chắc chắn sẽ hồi phục sau đại dịch…/.

Trà Việt

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất