
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng 5 năm một lần là sự kiện chính trị trọng đại bậc nhất của đất nước và dân tộc, trong đó có hai nội dung quan trọng nhất là văn kiện và công tác nhân sự. Đối với công tác nhân sự là đặc biệt quan trọng, được coi là “then chốt của then chốt”, tác động trực tiếp và ảnh hưởng lâu dài tới thực tiễn phát triển đất nước, tình hình mọi mặt và đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Đại hội XIII của Đảng đang diễn ra trong thời điểm đất nước ta trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời điểm này, công tác nhân sự càng được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết.
Các ủy viên Trung ương cần phải là “nguyên khí quốc gia”
Suy đến cùng, đối với nước nào cũng là đảng cầm quyền có quyền và trách nhiệm lựa chọn người cầm quyền trong số đảng viên của mình. Cho nên lựa đúng người hay không trước hết là câu chuyện của các đảng chính trị, người dân càng quan tâm càng đóng góp, tác động theo cách này hay cách khác càng tạo nên ảnh hưởng nhiều ít (tín nhiệm phổ thông, điều tra xã hội, lên tiếng trên các diễn đàn thông tin…). Ở Mỹ, dân bầu tổng thống Mỹ về bản chất là bầu cho người được các đảng lựa chọn ra để chuẩn bị cầm quyền; Thủ tướng Anh, Đức hay Nhật cũng là được lựa chọn ra theo cách tương tự.
Ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo các cấp được trải qua các quy trình chặt chẽ thông qua giám sát của các tổ chức, cơ quan kiểm tra, tổ chức xã hội, người dân, cộng đồng. Đảng lãnh đạo về đường lối, Nhà nước quản lý điều hành, Quốc hội lập pháp và giám sát; trong đó có cơ chế hiệp thương, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Hiến pháp quy định Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội, cho nên đội ngũ Trung ương ủy viên có tác động rất lớn tới sự ổn định và phát triển của đất nước, của xã hội và các tầng lớp nhân dân. Năng lực, phẩm chất của các vị được bầu tại Đại hội XIII nói riêng và các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc nói chung để chuẩn bị cầm quyền, điều hành đất nước trong một nhiệm kỳ mới là đặc biệt quan trọng.
“Hiền tài” là “Nguyên khí quốc gia”. 200 vị ủy viên Ban chấp hành Trung ương do Đại hội bầu ra sẽ là những người cầm quyền chủ yếu ở đất nước này và người dân có quyền kỳ vọng đây thực sự là các vị hiền tài của đất nước, là nguyên khí của quốc gia trong giai đoạn phát triển mới.
Cần tiếp tục có tư duy mới sâu sắc về công tác nhân sự trên cơ sở mục tiêu tổng quát, mục tiêu các giai đoạn và các nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII
Đột phá ở tư duy hay hành động thì cần bám sát tư tưởng chủ đạo về chiến lược tổng thể phát triển đất nước đã nêu tại dự thảo báo cáo chính trị. Một điểm nhấn nổi bật của chủ đề Đại hội XIII được đánh giá rất cao là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước “xác định rõ hơn khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ xác định đường hướng cho nhiệm kỳ tới mà còn cũng xác định mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập và cải cách mạnh mẽ về thể chế cũng như nguồn nhân lực, đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để đưa đất nước tiến bộ và phát triển hơn thì yếu tố con người là quyết định. Người dân mong muốn các đại biểu cân nhắc, suy nghĩ sâu sắc và nghiên cứu kỹ Đề án nhân sự cũng như hồ sơ cá nhân để lựa chọn những người đủ phẩm chất, năng lực, đủ tâm, đủ tầm đủ tài, lựa chọn những người quan tâm về đời sống của người dân, đặt mục tiêu chăm lo hạnh phúc của nhân dân lên trên hết.
Để đạt được những mục tiêu này chắc chắn cần có những đột phá, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế mà trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, theo đó dự thảo văn kiện cũng nhấn mạnh 2 yếu tố toàn diện và đồng bộ trong hoàn thiện thể chế. Muốn vậy, một điều cần quan tâm là cần thay đổi cả tư duy và phương thức xây dựng luật, đó là trách nhiệm của cơ quan chuyên trách của Quốc hội đảm nhận chứ không nên để các bộ ngành chủ trì như hiện nay mà các bộ ngành nên là cơ quan tích cực phối hợp. Có như vậy mới đảm bảo được tính chuyên nghiệp và nhất là sự độc lập trong công tác vô cùng quan trọng này.
Thực tế, đường lối có đúng đến đâu mà nhân sự không mạnh, cán bộ không đáp ứng được yêu cầu thì đường lối cũng không thực hiện được, thậm chí có thể còn làm sai lệch. Công tác nhân sự không chỉ quyết định thành công của Đại hội, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của từng địa phương, đơn vị và các tầng lớp xã hội. Người dân kỳ vọng Đại hội lần này sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tài, đủ tầm, luôn biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, từ đó định hướng phát triển đất nước với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Mong muốn đội ngũ nhân sự nhiệm kỳ tới hành động mạnh mẽ, dám làm dám chịu vì sự phát triển của đất nước
Đại hội XIII sẽ là một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, vì vậy đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước dõi theo với niềm tin tưởng, kỳ vọng vào những định hướng, quyết sách lớn để đưa đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, vững vàng hơn. Nhất là, đa số đại biểu tham dự cũng như các tầng lớp nhân dân, đều hướng về Đại hội XIII với kỳ vọng Đại hội sẽ sang suốt bầu chọn được đội ngũ lãnh đạo có tâm có tài, có tinh thần cống hiến phụng sự Tổ quốc và dân tộc, phục vụ nhân dân.
Bên cạnh những tin tưởng gửi gắm, người dân rất quan tâm việc Đảng ta sẽ lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó? Các phần tử xấu, cơ hội, thù địch, phản động cũng nhân dịp này tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta, nhất là lợi dụng việc giới thiệu nhân sự, công tác bầu cử để xuyên tạc. Chính vì thế, Đảng ta đã có những bước chuẩn bị công tác nhân sự rất bài bản, công phu và khoa học, có quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các khâu, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần chủ đạo “vừa có đức vừa có tài”.
Trọng trách của đại biểu cần thấu hiểu trách nhiệm với nhiều cán bộ, đảng viên, người dân mà họ đại biểu đại diện, mong muốn Đại hội cần hết sức sáng suốt lựa chọn Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có đủ bản lĩnh chính trị, đạo đức và năng lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Những người tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước phải thực sự có đức, có tài, có tâm và có tầm. Đồng thời, họ cũng phải là những người tiêu biểu cho đạo đức của Đảng, dám quyết và hành động mạnh mẽ, dám làm dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc…/.
Trần Công Nghệ