20 C
Hanoi
Thứ Sáu, Tháng Ba 31, 2023
spot_img

Đạo Phật, Ki-tô, I-xlam, hay Chủ nghĩa Mác, cũng đều thức tỉnh nhân tâm

Đạo Phật, Ki-tô, I-xlam, hay Chủ nghĩa Mác, cũng đều thức tỉnh nhân tâm

Thành Ý

1. Sự ra đời của các tôn giáo đều có gốc rễ từ sự tha hóa tính bản thiện của con người, nảy sinh lòng tham quyền lực và lợi ích vật chất, làm phân hóa đẳng cấp xã hội, gây áp bức bóc lột. Để giải thoát con người khỏi cảnh bất công, khổ đau, loài người đã sáng tạo ra thứ “thuốc phiện tinh thần” mang nhãn hiệu “Tôn giáo”, khởi nguyên lần lượt có các tôn giáo sau ra đời: Phật giáo ra đời khoảng thế kỷ thứ VI Trước công nguyên ở Ấn Độ trên vùng đất thuộc Nêpan ngày nay; Ki tô giáo, ra đời vào khoảng thế kỷ thứ I trước công nguyên, manh nha từ đạo Do Thái, định hình ở các tỉnh phía đông đế quốc La mã cổ đại; Đạo I-xlam ra đời khoảng thế kỷ thứ VI, ở vùng Ả rập. Tuy thời gian và địa điểm khởi thủy khác nhau, song điểm chung đời các tôn giáo nêu trên đều là khát vọng sống, tinh thần phản kháng của các tầng lớp bị kẻ thống trị tước đoạt quyền sống, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do, bình đẳng, tình đồng loại. Để truyền đạo và phát triển hệ tư tưởng của mình, mỗi tôn giáo đều hình thành một hệ thống giáo lý nghiêm ngặt, giải thích nguồn gốc và tôn sùng đấng chí tôn khai sinh ra tôn giáo, răn dạy tín đồ phải biết sống nhân ái, làm điều thiện, tránh xa điều ác, tu dưỡng tâm tính, trừng phạt những kẻ trái đạo.

Trải qua thời gian và biến đổi xã hội, từ các tôn giáo nêu trên, đã nảy sinh nhiều loại tôn giáo biến thể trong điều kiện cụ thể của từng khu vực, từng quốc gia, nhưng tư tưởng giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột và cứu thoát con người vẫn là cốt lõi, chỉ có điều, tư tưởng nhân văn, nhân bản lại mang màu sắc tâm linh, thiên về khuyên răn, đe dọa, kêu gọi từ tâm, cầu mong các đấng tối cao rủ lòng thương, cứu rỗi, giải thoát. Hạn chế có tính lịch sử là các tôn giáo đều thừa nhận sự phân chia đẳng cấp như là một thứ vốn có từ thế giới siêu nhiên, không chỉ ra con đường đấu tranh hiện thực mang tính cách mạng. Mặc dù thức tỉnh nhân tâm theo con đường duy tâm, song do tính huyền bí của từng tôn giáo, nên nó đã được con người tưởng tượng, sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa đa dạng, phong phú, như: Giáo lý là hệ tư tưởng đầu tiên kể từ khi loài người phân chia giai cấp, hình thành chế độ nô lệ, in đậm tư duy thần bí. Chùa, các pho tượng, các bức tranh giàu triết lý nhân sinh của đạo Phật; Nhà thờ, các tượng và các bức tranh mang thông điệp của Chúa Trời xuống nhân gian; Nhà thờ Hồi giáo với kiến trúc độc đáo, thể hiện tinh thần phản kháng giai cấp; Các lễ hội gắn với sự tích của từng tôn giáo đều ẩn chứa nhiều giá trị nhân sinh, đồng thời là nét đẹp văn hóa, món ăn tinh thần của nhân loại. Thực chất, quá trình hình thành, phát triển, củng cố các tôn giáo là quá trình đấu tranh khẳng định tư tưởng giải thoát con người khỏi nỗi khổ hạnh bằng con đường duy tâm. Do gây ảnh hưởng làm mất quyền lực và lợi ích của giai cấp chủ nô, quí tộc nên các tôn giáo đã bị các giới cầm quyền thống trị ở mọi nơi hoặc là lợi dụng hoặc là đàn áp, tiêu diệt, hình ảnh Chúa Giê su bị đóng đinh câu rút phơi xác là ví dụ. Song vì gốc rễ của các tôn giáo là thức tỉnh nhân tâm, nên nó có sức sống bất diệt. Nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo khiến cho nhân loại thảm khốc đã từng xảy ra thời trung cổ. Ngày nay, những kẻ sùng đạo cuồng tín vẫn thường lợi dụng tôn giáo để kích động gây hận thù, tàn sát, khủng bố.

2. Thời cận đại, khi mà chủ nghĩa Tư bản đã phát triển tới giai đoạn cao, xuất hiện chủ nghĩa thực dân, đế quốc, tiếp tục áp bức, bóc lột con người trên phạm vi toàn cầu, một số nước thực dân, đế quốc lớn mạnh do thành tựu của cách mạng công nghiệp, trở thành tai ách của các dân tộc nhỏ yếu, hình thành 2 giống người có thân phận đối lập nhau (sau này Nguyễn Ái Quốc gọi đó là giống người thống trị ở đâu cũng tàn ác như nhau, giống người bị áp bức thống trị ở đâu cũng thống khổ như nhau, bất kể đó là da đen, da trắng, hay da vàng). Một số nhà tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng cũng đã lên tiếng cáo trạng tội lỗi của chế độ Tư bản, song họ lại chỉ ra sức kêu gọi giai cấp Tư sản phải biết chia sẻ nỗi thống khổ của người lao động. Những người lao động khốn khổ ở Pari cũng đã noi gương những người nô lệ thời La Mã cổ đại, nổi dậy “tấn công lên trời”, lập ra Công xã Pari, nhưng rồi nhanh chóng bị liên minh Tư sản châu Âu đàn áp, đành bỏ dang dỡ giấc mơ giải phóng giai cấp. Khác với những nhà tư tưởng cải lương theo khuynh hướng chủ nghĩa xã hội không tưởng, Mác- Ăng ghen và Lênin đã chỉ ra cho nhân loại con đường cứu thoát mang tính hiện thực, khoa học, duy vật. Thông điệp đầu tiên của Mác- Ănghen được truyền đi vào tháng 2 năm 1848 ở giữa lòng Châu Âu, đó là Tuyên ngôn đảng cộng sản, đưa giai cấp vô sản lên vũ đài chính trị, khẳng định con đường cách mạng vô sản là con đường triệt để giải phóng nhân loại khỏi áp bức, bất công, kiến tạo xã hội tốt đẹp, mang tình hữu ái giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Tuy chỉ mới ra đời 172 năm, nhưng tia sáng của tư tưởng giải phóng con người, vì quyền sống đích thực của con người đã ngày càng tác động tích cực, ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống tinh thần của nhân loại, thực tế đã trở thành một dòng chủ lưu trong dòng chảy tư tưởng thời đại mới ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Cách mạng tháng Mười Nga đã hiện thực hóa giấc mơ của Công xã Pari, giai cấp công – nông trở thành chủ nhân của chế độ. Cách mạng tháng 8 năm 1945 đã hiện thực hóa ý chí giành độc lập, tự do cho người dân nô lệ ở Việt Nam. Cũng nhờ có học thuyết của Mác – Ănghen mà Đảng cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân đánh đổ ách thống trị của giai cấp tư sản do Tưởng Giới Thạch dựa vào sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10/1949. Từ bên kia bán cầu, với tinh thần tự do bất diệt, Nhân dân Cuba kiên cường đã vùng lên giải phóng tổ quốc, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa khoa học. Liên Xô từng là một liên bang với 15 nước cộng hòa, chiếm khoảng 1/5 diện tích toàn cầu, cùng với nhiều nước châu Âu xây dựng mô hình xã hội với những kỳ vọng tiến bộ. Nhưng đáng tiếc, chỉ vì thiếu bản lĩnh chính trị, mất cảnh giác với những “viên đạn bọc đường” do các thế lực phản động quốc tế bắn ra từ họng súng “diễn biến hòa bình”, nên mất đi một Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu từng một thời là niềm kiêu hãnh cho những dân tộc muốn hướng theo ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin.

3. Ngày nay, tôn giáo vẫn tồn tại với chức năng thức tỉnh nhân tâm, lấy điều thiện lấn át điều ác trong mỗi người và trong xã hội; còn chủ nghĩa Mác vẫn sẽ là ánh sáng soi rọi con người biết sống và đấu tranh cho quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc với những giá trị đích thực trong cuộc sống hiện tại, bằng phương thức đấu tranh cách mạng để cải biến cơ sở tư tưởng, xã hội, lịch sử của mọi nguồn gốc sinh ra bất công, áp bức, cường quyền. Theo đó, Đảng cộng sản Việt Nam không bài xích tôn giáo, thực hiện tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Ngay từ năm 1919, trong bản yêu sách gửi Hội nghị Véc – Xay, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định “Trăm điều phải có thần linh, pháp quyền”. Tư tưởng dân chủ được Đảng cộng sản Việt Nam lấy đó làm điểm tựa cho sự tồn tại của chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng có sứ mệnh làm cho nước nhà độc lập, nhân dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Nhưng thật đáng tiếc, đâu đó, vẫn còn không ít giọng điệu kich động rằng, ở “Việt Nam, cộng sản khủng bố, bài xích tôn giáo, bóp nghẹt dân chủ”. Hãy quan sát các cơ sở tôn giáo, nhìn cảnh tượng chiêm bái và cầu nguyện, ắt có câu trả lời thỏa đáng. Giáng sinh năm nay, giữa mùa đại dịch Covid-19, chắc chắn có giảm phần sinh động, nhưng tư tưởng của Chúa về tự do, bác ái cũng vẫn là niềm ước vọng của các con chiên, còn những ai theo tôn giáo khác hoặc lấy chủ nghĩa Mác làm kim chỉ Nam thì cũng sẽ cùng khẩn cầu cho “quốc thái dân an”.  

Mùa Giáng sinh năm 2020  

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất

Hương Sen Việt