Bất chấp những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam. Mới đây, tổ chức “Ân xá quốc tế” (AI) đã thông qua cái gọi là “Báo cáo về tình hình án tử hình trên toàn thế giới năm 2021” với những thông tin sai trái, xuyên tạc về vấn đề án tử hình ở Việt Nam bất chấp.
Box: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng đối tượng hơn: không áp dụng án tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Box: Việt Nam đang trong quá trình thực hiện chính sách giảm dần từng bước đối với việc áp dụng hình phạt tử hình. Số lượng tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình giảm từ 44 tội danh (Bộ luật Hình sự năm 1985) xuống còn 18 tội danh có mức án tử hình (Bộ luật Hình sự năm 2015).

Xóa bỏ án tử hình không phải là bắt buộc
Là tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam, AI thường xuyên đưa ra những cáo buộc sai sự thật về tình hình chính trị, xã hội đặc biệt là nhân quyền của các nước, trong đó Việt Nam luôn nằm trong danh sách “ưu tiên” của tổ chức này.
Gần đây, Báo cáo về tình hình án tử hình trên toàn thế giới năm 2021 của AI xếp Việt Nam vào nhóm có tỷ lệ thi hành án tử hình cao nhất; vu cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICPPR) và những giá trị nhân quyền quốc tế.
Đây không phải là lần đầu AI đưa ra những đánh giá sai lệch, vô căn cứ như vậy. Ngay từ báo cáo nhân quyền năm 2005, lợi dụng những khó khăn tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên, AI đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước cần đặc biệt quan tâm về nhân quyền và tự do tôn giáo. tổ chức này thường đưa ra cái gọi là “bản phúc trình” về tình hình nhân quyên quốc tế để đưa những thông tin sai lệch, xuyên tạc về nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Về vấn án tử hình, không chỉ Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay vẫn áp dụng án tử hình. Tính đến thời điểm hiện tại, xóa bỏ hình phạt tử hình không phải nghĩa vụ pháp lý quốc tế bắt buộc mọi quốc gia phải tuân thủ. Mặt khác, từ thực tế việc áp dụng hình phạt tử hình góp phần giảm thiểu tỷ lệ tội phạm; có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa.
Thư nhất, thế giới cũng chưa có cơ chế chung bắt buộc tất cả các quốc gia phải xóa bỏ án tử hình. Điều 6, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR) của Đại hội đồng LHQ mà Việt Nam tham gia qui định: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xoá bỏ thì chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những qui định của Công ước này và của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết”. Như vậy, theo Công ước ICCPR thì các quốc gia có thể xóa bỏ hoặc vẫn duy trì hình phạt tử hình; việc áp dụng hình phạt tử hình không được xem là sự vi phạm quyền sống.
Thứ hai, hình phạt tử hình được phép áp dụng đối với tội phạm nghiêm trọng nhất. Văn kiện các bảo đảm về các quyền của những người bị kết án tử hình do Hội đồng kinh tế – xã hội LHQ (ECOSOC) thông qua năm 1984 đã qui định: “Ở những quốc gia vẫn còn duy trì hình phạt tử hình, hình phạt này chỉ được áp dụng với những tội phạm nghiêm trọng nhất, mà được hiểu là những tội phạm thực hiện do chủ ý, gây ra hậu quả chết người hoặc những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác”. Theo đó, các quốc gia được phép duy trì và thực hiện án tử hình đối với “những tội phạm nghiêm trọng nhất”. Khái niệm “những tội phạm nghiêm trọng nhất” chưa được hiểu một cách thống nhất, ở các quốc gia diễn giải cụm từ này không giống nhau, cho nên có sự khác nhau đối với các loại tội phạm bị kết án tử hình giữa các nước.
Thứ ba, việc duy trì án tử hình ở các quốc gia góp phần ngăn ngừa và giảm tỉ lệ phạm tội. Một số nước trên thế giới sau khi xóa bỏ án tử hình đã ghi nhận sự tăng lên nhanh chóng của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là tội phạm giết người, chính vì thế, sau một thời gian xóa bỏ, một số nước đã quay trở lại áp dụng hình phạt tử hình nhằm trấn áp tội phạm. Điển hình là Mỹ. Năm 2020, sau 17 năm xóa bỏ án tử hình, Mỹ nhận thấy, sự cần thiết của việc khôi phục án tử hình nhằm trừng phạt mạnh tay đối với tội phạm bạo lực. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là người đứng ra kêu gọi cho sự quay lại của hình phạt này.
Giảm tử hình – chủ trương lớn trong cải cách tư pháp
Theo qui định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, tử hình là biện pháp cưỡng chế, hình phạt nghiêm khắc nhất đối với người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc duy trì án tử hình xét về mặt pháp lý là sự trừng phạt thích đáng đối với những hành vi tước đi quyền được sống và những quyền khác của con người. Hình phạt tử hình có tác dụng răn đe mạnh mẽ, ngăn ngừa những cá nhân có ý định gây ra hành vi phạm tội tương tự; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Việc áp dụng án tử hình mang lại công lý cho nạn nhân và gia đình người bị hại, gián tiếp bảo vệ nền tảng và những giá trị đạo đức trong xã hội.
Cùng với xu hướng của thế giới, giảm tử hình là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện trong Nghị quyết số 49 năm 2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp cũng như trong Hiến pháp năm 2013 về ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền sống của con người. Việt Nam đã có những bước tiến dài trong lộ trình giảm dần từng bước hình phạt tử hình trong hệ thống pháp luật, tiến tới hạn chế tối đa tội phạm áp dụng án tử hình. Theo đó, số lượng tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình giảm từ 44 tội danh (BLHS năm 1985) xuống 29 tội danh (BLHS năm 1999), 22 tội danh (BLHS sửa đổi năm 2009) và 18 tội danh có mức án tử hình (BLHS năm 2015). Bộ luật Hình sự 2015 đã bãi bỏ hình phạt tử hình với 07 tội danh: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy (Điều 252); Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399).
Bên cạnh đó, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 qui định “không áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử”. Qui định này hoàn toàn tương thích với khoản 3, điều 6 của ICPPR “không được tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai”. Thậm chí so với ICCPR, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng đối tượng hơn: không áp dụng án tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Có thể thấy Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam không chỉ tương thích với các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế, phù hợp với tình hình đất nước mà còn thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước.
Ngoài ra, Việt Nam ban hành chính sách giảm án để tạo cơ hội cho những đối với những người phạm tội bị kết án tử hình có quá trình cải tạo tốt được ân giảm xuống án tù chung thân. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 qui định trong thời hạn 07 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình có quyền gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước. Nếu được ân giảm thì hình phạt tử hình được giảm xuống tù chung thân.
Trong những năm qua, đã có nhiều bị án được ân xá từ tử hình xuống án chung thân nhờ có quá trình cải tạo tốt. Giai đoạn 2016 – 2021 có 2.339 người bị kết án tử hình, trong đó đã thi hành 429 người, giảm án 266 người, tạm giam 1.644 người. Thực hiện đợt đặc xá lần thứ 2 kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Đặc xá năm 2018, ngày 30/8/2022 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án, trong đó có hai bị án là người nước ngoài.
Việc xét ân xá được tuân theo qui trình minh bạch, chặt chẽ, thận trọng, chính xác, kỹ lưỡng, thống nhất, khách quan, có sự kiểm soát chặt chẽ bởi liên quan đến sinh mệnh của con người. Đặc biệt đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm bên cạnh ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước cần phải nắm bắt dư luận xã hội nơi địa bàn xảy ra vụ án, nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, lấy ý kiến của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để báo cáo Chủ tịch nước xem xét, cân nhắc trước khi ra quyết định. Ân giảm án tử hình đã tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, nhận được sự ủng hộ từ gia đình người bị kết án và được dư luận thế giới rất hoan nghênh, đánh giá cao.
Có thể thấy rằng, việc áp dụng án tử hình không vi phạm bất cứ điều ước quốc tế nào mà Việt Nam tham gia. Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các cam kết, không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của con người. Việc giảm dần số tội danh áp dụng án tử hình là một trong những chủ trương lớn trong cải cách tư pháp của Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Việc xem xét tiến tới xóa bỏ án tử hình cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng và lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam. Những thông tin trong báo cáo của AI là hoàn toàn sai lệch, phiến diện, không phản ánh đúng thực tế nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người nói chung và trong việc giảm án tử hình nói riêng.■
Tạp chí Nhân quyền Việt Nam số tháng 12/2022