Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương Phạm Thanh Hải cho biết, hàng hoá của Hải Dương, đặc biệt nông sản, cần được các địa phương giáp ranh hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông.
Do diễn biến dịch Covid-19, từ chiều 16/2/2021, Hải Phòng dừng tiếp nhận không chỉ công dân mà cả hàng hoá từ Hải Dương trong thời gian tỉnh này giãn cách xã hội (từ ngày 16/2 đến ngày 3/3). Giáp ranh Hải Dương, Hải Phòng vừa là thị trường tiêu thụ vừa thuộc tuyến đường vận chuyển hàng hoá của tỉnh.

Ông Hải cho biết tỉnh vẫn đang tìm cách gỡ từng chuyến hàng hoá cho người dân. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc hàng hoá từ Hải Dương có lưu thông được hay không phụ thuộc nhiều vào các địa phương giáp ranh.
“Chúng tôi cũng chỉ có cách gọi điện nhờ giám đốc các sở công thương để họ tham mưu lại cho tỉnh. Họ đồng quan điểm về việc để hàng hoá lưu thông bình thường, nhưng vẫn vướng mắc với chính sách của các sở ban khác, ví dụ như giao thông vận tải”, ông giải thích.
Theo ông, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo, tránh tình trạng tê liệt mà nông sản là đối tượng trước tiên, sau đó là các ngành sản xuất công nghiệp. Trước những lo ngại về dịch bệnh, ông Hải khẳng định, tỉnh đảm bảo điều kiện phòng dịch mới cho hàng hoá lưu thông.
Hải Dương hiện đã có văn bản đề nghị Hải Phòng, Quảng Ninh, các địa phương có cửa khẩu và phía Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các phương tiện, tài xế, người giao nhận trên địa bàn được ra, vào.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang thụ lý văn bản kiến nghị của Hải Dương về vấn đề này. Nhắc lại Chỉ thị của Thủ tướng về quan điểm không ngăn sông, cấm chợ, bà nói sẽ có công văn gửi các tỉnh, thậm chi gửi cả Bộ Quốc phòng để tìm phương án hỗ trợ. Bộ Công Thương đang duyệt trình phương án.
Tuy nhiên, bà Nga cũng lưu ý, các địa phương nên linh hoạt trong cách xử lý với hàng hoá từ vùng dịch như Lạng Sơn, Tây Ninh từng làm thời gian trước. Theo bà, các tỉnh đó đã tạo lập những điểm trung chuyển hàng hoá, phun xịt khử trùng, lái xe chỉ được ở trong khu này… Nhờ vậy, đã khắc phục được tình trạng khó khăn.
Trước những gợi ý của Bộ Công Thương, phía Hải Dương cho biết cũng đang cân nhắc thêm các phương án.
Theo lãnh đạo Hải Dương, hiện lượng hàng hoá tồn đọng trên địa bàn còn rất lớn. Với nông sản, tỉnh còn 4.080 ha rau vụ đông đến kỳ thu hoạch. Trong đó, có 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá. Sản lượng ước tính khoảng 90.760 tấn. Hiện nay, khoảng 90% số cà rốt và 30% số rau bắp cải, su hào, su lơ, rau ăn lá của tỉnh được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa.
Trước phản ứng của Hải Dương, TP Hải Phòng cho hay, chỉ dừng tiếp nhận rau củ, gia cầm, thuỷ cầm vì tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những mặt hàng phục vụ xuất nhập khẩu được đóng kín, nguyên vật liệu đầu vào… vẫn được lưu thông bình thường. Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu các chủ doanh nghiệp, lái xe tuân thủ nghiêm các biện pháp chống Covid-19.
Bà con sản xuất nông sản đang rất khốn đốn cần được hỗ trợ. Chị Đỗ Thị Dung, chủ trang trại trứng tại Cẩm Giàng cho biết, trại gà của chị có 18.000 con, trong đó 13.000 con đang thời kỳ sinh sản, mỗi ngày cung cấp 10.000 trứng, mà bản được một quả cũng rất khó. Cẩm Giàng là tâm dịch Covid-19 của Hải Dương. Cho mãi đến hôm 18/2, chủ trang trại này mới được ưu tiên được mua ủng hộ một số lượng quả trứng vì chính sách ủng hộ của tỉnh và sự ủng hộ của hàng xóm thương chị bị tai nạn, nằm nhà cả năm nay.

Không chỉ trứng, các nông hộ, doanh nghiệp kinh doanh gà trên địa bàn Hải Dương cũng gặp khó khăn. Ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội gà đồi Chí Linh cho biết, trên địa bàn thành phố còn gần 1 triệu con gà đang tồn đọng. Giá thịt gà cũng giảm gần 10.000 đồng một kg, nhưng tiêu thụ rất chậm.
Dân Chí Linh nuôi gà, nuôi cá để bán Tết nhưng dính dịch, đến giờ vẫn chưa tiêu thụ hết do việc đi lại khó khăn, các khu công nghiệp, chợ đò chưa hoạt động khiến con gà, con cá bị ế. Trên thực tế, lượng gà nuôi năm nay đã giảm 20% so với năm trước. Thời gian chăm càng dài, càng lỗ.
Dù việc kinh doanh gặp khó khăn, các nông hộ, doanh nghiệp vẫn chấp nhận vì cho rằng đây là vấn đề chung của xã hội và yêu cầu cấp bách của việc ngăn chặn dịch. Chỉ khi dịch được khống chế, việc buôn bán mới yên ổn bền vững trở lại.
Tuy nhiên, các cấp, ngành, tổ chức cần đẩy mạnh tìm tòi các giải pháp ủng hộ, chia sẻ, tháo gỡ để việc sản xuất kinh doanh của bà con Hải Dương vơi bớt khó khăn, thua lỗ và kiểm soát, ngăn chặn được dịch Covid-19.
Nguồn: Tổng hợp