
Không thể xuyên tạc rằng: “tiến tới đa nguyên, đa đảng là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”.
Mạnh Trường
Đọc trên mạng xã hội tôi thấy có ý kiến rất vô lý khi bịa đặt rằng: Mâu thuẫn giữa bản chất chế độ, thể chế chính trị do Đảng lãnh đạo với quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay đang khiến xu hướng ly khai “tam quyền phân lập” ngày càng rõ nét và làm lung lay sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng và đề nghị đến Đại hội XIII, Đảng cần cam kết trình Quốc hội về dự luật đảng phái chính trị để làm cơ sở tiến tới đa nguyên, đa đảng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân! Những ý kiến về đa nguyên đa đảng từ trước đến nay đã đưa ra nhiều, có điều lần này xuất hiện vào dịp chuẩn bị Đại hội XIII và họ còn khẳng định phù hợp với nguyện vọng của nhân dân! Do vậy tôi cũng có vài lời mạn đàm.
Trước hết phải nói rằng đa nguyên, đa đảng là một hiện tượng tất yếu của nền đân chủ tư sản. Giai cấp tư sản bao giờ cũng có nhiều tầng lớp, phe phái có nhiều lợi ích khác nhau. Tuy cùng dựa trên sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa nhưng với tính chất cạnh tranh khốc liệt, ít nhiều cũng mang tính chất đối kháng trong nội bộ giai cấp tư sản, cho nên nảy sinh nhu cầu mỗi tầng lớp, phe phái tư sản cần có đảng chính trị đại diện cho tầng lớp của mình.
Ngược lại nền dân chủ XHCN không cần thể chế đa nguyên, đa đảng, không cần chế độ nhiều đảng, nhất là không có đảng tư sản đối lập. Điều đó đã được pháp chế hóa, được ghi vào Hiến pháp của các nước theo chế độ XHCN. Ở nước ta không cần chế độ đa nguyên, đa đảng nhưng sẽ được xây dựng mạnh mẽ nền dân chủ, làm cho nền dân chủ diễn ra trong thực chất bằng cách kết hợp dân chủ đại diện với dân chủ trực tiếp, nhất là dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Không cần nhiều Đảng mà chỉ cần một Đảng cộng sản là đủ vì qua thực tiễn đã khẳng định đảng đó xứng đáng đại diện cho những lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân. Mặt khác nhân dân ta không cần nhiều đảng nhưng rất cần nhiều diễn đàn tranh luận. Điều đó sẽ được đáp ứng bằng các tổ chức chính trị xã hội và xã hội nghề nghiệp, các diễn đàn của sự hiệp thương và giải quyết sự khác nhau về lợi ích trong phạm vi nội bộ nhân dân.
Như vậy những ai là người Việt hay cổ vũ cho đa nguyên, đa đảng? Phải chăng đó là những người thù địch với con đường đi lên CNXH ở nước ta đang ngày đêm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, cổ súy cho việc lật đổ chính quyền nhân dân, hòng hướng lái đất nước đi theo con đường TBCN. Họ suy nghĩ ảo tưởng khi nghĩ rằng đi theo mô hình của các nước phương Tây thì đất nước sớm phát triển giàu có, còn đi theo con đường lên CNXH thì đất nước sẽ chậm phát triển và tụt hậu!Trong khi đó nền dân chủ tư sản không phải thực sự là đa nguyên, đa đảng mà là nền dân chủ nhất nguyên tư sản, không có đa đảng đối lập. Cho nên với yêu cầu các nước XHCN phải thực hiện đa nguyên đa đảng như trong chế độ tư bản thì giai cấp tư sản lại lừa bịp nhân dân các nước XHCN Họ yêu cầu các nước XHCN làm những việc mà chính giai cấp của họ không làm.Vậy thì đúng lẽ hơn là tại sao giai cấp công nhân và nhân dân lao động không được quyền thực hiện nhất nguyên XHCN như giai cấp tư sản đã làm nhất nguyên tư sản ? Do vậy những ai đó muốn đất nước mình đa nguyên đa đảng là thực hiện ý đồ đưa đất nước phát triển theo con đường TBCN, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta suốt 90 năm qua và đang đạt được những thành tựu được cả khu vực và thế giới thừa nhận, đang xứng đáng với niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Năm nay chúng ta vừa mới kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là dịp ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc và phát huy ý chí tự lực, tự cường vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Hướng tới Đại hội XIII của Đảng chúng ta tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp để tiếp tục lãnh dạo nhân đân làm nên những kỳ tích mới. Do vậy không thể có việc đa nguyên, đa đảng để phù hợp với nguyện vọng của nhân dân mà lịch sử luôn đòi hỏi những thành quả to lớn của cách mạng phải được phát huy, bồi đắp !