
1. Lịch sử phát triển loài người luôn gắn với lịch sử phát triển các nền kinh tế và mô hình xã hội. Theo đó kinh tế thị trường đến nay được coi là một sản phẩm của nền văn minh tư bản khi coi trọng vấn đề lợi ích đóng vai trò điều tiết và thúc đẩy kinh tế – xã hội vận động. Với “sản phẩm văn minh” này, lịch sử phát triển các nền kinh tế TBCN cũng đã phải chứng kiến sự chênh lệch nghèo giàu cực khủng với một số ít người cực giàu chiếm hữu đa số của cải xã hội bên cạnh tỷ lệ áp đảo số lao động cực nghèo chỉ có một phần nhỏ của cải.
Loài người cũng đã chứng kiến không ít thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế xã hội xảy ra từ thế kỷ 17, 18, cả trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Như cuộc đại khủng hoảng suy thoái kinh tế năm 1929-1939 từ Mỹ tác động cả thế giới, với việc hàng tỷ USD đã bốc hơi khỏi nền kinh tế Mỹ, một quá trình nhiều năm tài chính hỗn loạn, 4.000 ngân hàng đổ vỡ năm 1933, số nạn nhân ở Mỹ hơn 7 triệu người. Cuộc khủng hoảng khó quên tiếp theo gọi là khủng hoảng dầu mỏ khi các nước OPEC tuyên bố cấm vận dầu mỏ, ngừng xuất khẩu dầu cho Mỹ và các nước đồng minh, dẫn đến việc thiếu dầu trầm trọng đi kèm việc tăng giá dầu, dẫn đến khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và nhiều nước phát triển. Khủng hoảng tài chính ở Thái Lan năm 1997, gần đây là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009 bắt đầu từ Mỹ…
Theo đó, nhiều lý thuyết kinh tế ra đời để khắc phục những khuyết tật, khủng hoảng như lý thuyết của J.M. Keynes, nhấn mạnh vai trò của nhà nước với chính sách chi tiêu đầu tư để tạo ra tổng cầu bằng cách tăng chi tiêu xã hội, đầu tư các dự án công trình công cộng, phúc lợi xã hội, giáo dục… thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lý thuyết thị trường xã hội ở Đức cũng là một kiểu để cân bằng ích lợi, an sinh xã hội tư bản chủ nghĩa và giảm bớt tiêu cực khuyết tật của thị trường…
Chứng kiến lịch sử đó và qua thực tế mấy chục năm qua ở VN, cho thấy Đảng CSVN đã đúng khi đổi mới tư duy kinh tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước bên cạnh kinh tế tập thể, phát huy động lực các nguồn lực kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có yếu tố hay vốn nước ngoài, hay hình thức hỗn hợp…
2. Điều đáng nói là, khưng khi đọc một số bài xuyên tạc phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước ở Việt Nam, tôi thấy cần đưa ra ý kiến trao đổi để phản bác quan điểm phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và cho rằng không có bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế, không thể có kinh tế thị trường!
Tthứ nhất phân tích từ góc độ tâm lý, có thể bị ám ảnh từ kinh tế nhà nước trong quá khứ trước đổi mới, ám ảnh bởi khủng hoảng kinh tế xã hội do sử dụng quá lâu cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp. Nhưng cũng có thể do cố bám lấy vấn đề của lịch sử để quy kết sai lầm cho tương lai. Thực tế Việt Nam đã đổi mới và đã thực hành công cuộc đổi mới đạt những thành tựu đáng kinh ngạc.
Thứ hai, do hiểu sai về vai trò chủ đạo, cho rằng chủ đạo là được sự ưu đãi “hơn người” của Nhà nước, có ưu thế lấn lướt các thành phần kinh tế khác nên không có cạnh tranh bình đẳng, không có thị trường.
Kinh tế nhà nước gồm các nguồn lực kinh tế như đầu tư công, công trình công, hạ tầng kinh tế, thiết chế kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp nhà nước… Cùng với các công cụ luật, chiến lược, chính sách, quy hoạch…, kinh tế nhà nước là những công cụ để Nhà nước điều tiết các hoạt động kinh tế – xã hội. Khi hoạt động theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tuân theo quy luật cạnh tranh và bình đẳng trước luật pháp.
Thử tưởng tượng nếu với những ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của quốc gia thì các thành phần kinh tế tư nhân có đủ sức làm hay không? Điều đó buộc phải có kinh tế nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước đầu tư để có đường mà đi, đường dây 500KV để sống và sản xuất, công trình công cộng, đường sá, bến cảng cho dân thụ hưởng, thành phần kinh tế khác cũng thụ hưởng… Khi có các thành phần kinh tế khác đủ sức đầu tư vào đâu đó mà không nhất thiết phải có nhà nước đầu tư thì Nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa để chuyển nguồn lực sang mục tiêu công quan trọng khác.
Theo đó vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không những không cản trở mà còn thúc đẩy và tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật giữa các thành phần kinh tế.
3. Khi thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế tập thể mô hình hợp tác xã cũng đã đổi mới về tổ chức cách thức hoạt động. Hợp tác xã kiểu mới hiện nay là tổ chức kinh tế tập thể tự nguyện chủ yếu do các hộ sản xuất, kinh doanh bàn bạc thành lập để làm dịch vụ hỗ trợ người sản xuất nhỏ, thành viên yếu thế nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh khi gia nhập thị trường, hỗ trợ vay vốn, trang thiết bị sản xuất kinh doanh… Thường các hợp tác xã phát triển trong nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, du lịch, vận tải, thương mại… Khi các hợp tác xã tích lũy đủ lớn số vốn và tài sản, dẫn tới xu hướng mở rộng quy mô, liên kết thành hiệp hội, theo ngành nghề, địa bàn, thị phần… Từ đó lôi kéo, hỗ trợ thúc đẩy những người sản xuất nhỏ trong xã hội cùng phát triển.
Vài suy nghĩ xuất phát từ tư duy lý luận lôgic gắn với thực tiễn sinh động được chứng kiến, xin chân thành trao đổi…/.
Công Nghệ