
Lòng dân là quốc bảo thiêng liêng
Trần Phụng Hoàng Nhi
Xuyên suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; cho đến tận hôm nay và mãi mãi về sau thì lòng dân là luôn là quốc bảo thiêng liêng, vô giá. Chặng đường lịch sử nào của dân tộc cũng có nhân dân đồng hành và đó là một quy luật lịch sử.
Không phải tự nhiên Nguyễn Trãi lại nói: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết sức dân là sức nước) và cũng không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo là minh chứng sinh động cho thấy, với đường lối chính trị đúng đắn và bằng sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân mà còn nhanh chóng giành được vị thế lãnh đạo.
Vì tin yêu Đảng, nhân dân đã một lòng, một dạ đi theo Đảng, quyết tâm ủng hộ Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi. 91 mùa Xuân qua, mọi thành công của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng chính là câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi “Lòng dân thể hiện thế nào” của Dương Quốc Chính.
1. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đảm nhận trọng trách lớn lao mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, đó là lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu thế của thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không chỉ hấp dẫn, quy tụ mà còn lãnh đạo nhân dân Việt Nam/những người đang bị đọa đày trong đêm trường nô lệ kiên cường vượt mọi khó khăn, thử thách để đấu tranh cách mạng, giành lại độc lập, tự do.
Trong hành trình đó, luôn phụng sự Tổ quốc và nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiền phong của giai cấp và dân tộc đã thường xuyên “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”[1]. Trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, Đảng/đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đều nhận thức rõ: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”[2] và “trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”[3] để tận tâm, tận sức phụng sự nhân dân, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật thật trung thành của nhân dân.
Xuyên suốt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có thể khẳng định rằng: Mọi thành công của cách mạng Việt Nam chỉ có được khi xuất phát từ lợi ích của nhân dân, hợp lòng dân và được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Lòng dân luôn là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng, hiển hiện đậm nét trong hành trình đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục được củng cố vững chắc, được bồi tụ kiên trung trong hành trình đi đến tương lai tươi sáng của dân tộc.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” và “Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào”[4].
Trải qua 13 kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; luôn lấy dân làm gốc, coi dân là chủ, đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy trên tinh thần: Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Thực tế, Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc, dân là chủ, nên đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu từ Chủ tịch nước trở xuống đều phải là đầy tớ trung thành của nhân dân: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”[5].
Vì vậy, gắn bó mật thiết với nhân dân, củng cố niềm tin/lòng tin của nhân dân là yêu cầu khách quan đối với Đảng cầm quyền. Đồng thời, dựa vào dân để xây dựng và chỉnh đốn Đảng không chỉ góp phần chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong mà còn cho thấy: Sự thống nhất biện chứng, phù hợp lợi ích giữa Đảng với nhân dân; giữa Đảng với giai cấp công nhân và dân tộc; mưu cầu và phấn đấu cho độc lập, tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc của nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh nội lực của Đảng.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ thể hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà còn là sự cụ thể hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời làm cho mong ước “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực sinh động.
3. Lòng dân là quốc bảo thiêng liêng. Niềm tin của nhân dân vào Đảng là sức mạnh vô giá. Song các thế lực thù địch, những phần tử thoái hóa, biến chất, cơ hội, bất mãn “ăn theo nói leo” luôn vin vào một cớ/một sự kiện lịch sử nào đó để bẻ cong, xuyên tạc, bịa đặt, bôi đen Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm gây tâm lý hoang mang, chia rẽ Đảng với nhân dân, phá hoại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, cho nên, dù nhân danh ai và vì bất cứ lý do gì thì những luận điệu phản động, những âm mưu của các thế lực thù địch cũng không thể phủ nhận được vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. 91 năm với 13 kỳ Đại hội, có thể khẳng định rằng, nội dung các văn kiện của 13 kỳ Đại hội và các nghị quyết chuyên đề của Đảng Cộng sản Việt Nam đều khẳng định rõ vị trí, vai trò của nhân dân trong tiến trình cách mạng cũng như trong lịch sử dân tộc.
Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Tinh thần hành động của mỗi cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đều nhằm mục tiêu phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng, niềm tin tưởng của người dân làm thước đo hiệu quả công tác lãnh đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đó là sự thật, chứ không phải là “ý chí nguyện vọng của người dân cũng chả được chính quyền đếm xỉa đến. Chỉ khi chưa giành được chính quyền hoặc thế lực chưa ổn định, còn có chiến tranh giành độc tôn quyền lực, thì chính quyền tỏ ra dân chủ để mị dân, họ cưỡng bức, đe dọa kèm theo tuyên truyền, dùng lợi ích trước mắt để thu phục nhân tâm” như Dương Quốc Chính xuyên tạc trên mạng xã hội.
4. Dương Quốc Chính thâm độc, tinh vi, xảo quyệt viện dẫn bao sự kiện, bôi đen bao vấn đề để chống Đảng Cộng sản Việt Nam, vu khống sự lãnh đạo của Đảng là “chế độ toàn trị”, “độc tài chuyên chế”… cũng không ngoài mục đích gieo giắc và kích động các phần tử nhân danh yêu nước, giả danh dân chủ đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng, đòi tự do ứng cử, bầu cử vô nguyên tắc ở Việt Nam.
“Dù ai nói ngả nói nghiêng. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Dù các thế lực thù địch có xuyên tạc hay bôi đen thế nào thì mỗi người dân Việt Nam yêu nước, yêu quê hương, tha thiết với một tương lai tốt đẹp của đất nước, với độc lập – tự do – hạnh phúc – phồn vinh tất yếu sẽ kiên trung tin tưởng và đi theo Đảng. Đồng thời, ủng hộ Đảng quyết liệt hơn, sát sao hơn trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, làm cho Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn”, trong sạch, vững mạnh, vững vàng tay lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến thành công.
Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam hoàn toàn không phải là sự áp đặt từ phía Đảng mà chính là sự lựa chọn của dân tộc, sự tin tưởng và “ủy thác” của nhân dân. Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cho thấy, ở Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng. Những điều Dương Quốc Chính tung ra đã quá cũ và “lỗi mốt”. Ai cũng nhận ra được âm mưu của người viết, nên không vì thế mà đi đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 326
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.434
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.453
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.607
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.572