33 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Năm 30, 2023
spot_img

Lòng dân và bước đột phá về dân chủ

Ngày này cách đây 75 năm về trước (5/1/1946-5/1/2021), để cổ vũ, động viên toàn dân làm tròn nghĩa vụ và quyền lợi của người dân một nước độc lập trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 – bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Trong đó, Người khẳng định: “Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước… Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”[1].

75 năm sau, nhìn lại sự kiện này, có thể thấy:

1. Trong bối cảnh các thế lực Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng), Việt Cách (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội) và các tổ chức đảng phái tay sai thân Nhật… chống phá điên cuồng; khi nền kinh tế của đất nước nghèo nàn, kiệt quệ, nạn đói đe doạ nghiêm trọng, với hơn 90% dân số mù chữ, kho bạc gần như trống rỗng và nhất là nạn ngoại xâm đang đe dọa vận mệnh nền dân chủ cộng hòa non trẻ (miền Nam là quân Pháp và quân Anh, miền Bắc là quân Tưởng và quân Mỹ) khi đó, thì quyết định cùng những nỗ lực vượt bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng để tổ chức cuộc Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu lần đầu tiên ở Việt Nam chính là nhằm thực thi quyền dân chủ của người dân một nước độc lập. 

Việc Chính phủ lâm thời do Người đứng đầu đã ban hành Sắc lệnh số 14/SL ngày 8/9/1945, gồm 7 điều quy định rõ thời hạn tổ chức Tổng tuyển cử; đối tượng được tham gia bầu cử và ứng cử; lập Uỷ ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo về Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; Sắc lệnh số 39/SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 9 người; Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/10/1945 quy định rõ thể lệ Tổng tuyển cử phải được thực hiện theo đường lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bí mật; Sắc lệnh số 71/SL ngày 2/12/1945 bổ khuyết điều 11 chương V của SL/51 nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những người ứng cử vào Quốc hội… có ý nghĩa quan trọng và là cơ sở pháp lý “cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”.

2. Nhấn mạnh rằng: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”[2], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tính dân chủ của nhà nước Việt Nam mới; quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mỗi người dân Việt Nam với vị thế là người chủ, làm chủ đất nước – có quyền quyết định, lựa chọn những người thay mặt mình gánh vác việc nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, khi tham gia bầu cử Quốc hội khóa I nghĩa là “nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”[3]; đồng thời “tỏ rõ cái tư cách xứng đáng của những người công dân nước Việt Nam và ý chí đoàn kết không chia rẽ” để bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước nhà. Vì thế, Người yêu cầu mỗi người phải có trách nhiệm với lá phiếu cử tri của mình trên tinh thần “những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy”[4] để lựa chọn những người tài, đức gánh vác công việc quốc gia.

3. Ngày 6/1/1946, vượt lên hoàn cảnh, đi qua mọi khó khó khăn, tại 71 tỉnh thành trong cả nước, đã có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu; phổ biến là 80%. Nhiều nơi đạt 95%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Quốc hội khoá I – Quốc hội ra đời từ sự hy sinh, phấn đấu và đoàn kết của toàn dân, bao gồm đầy đủ các tầng lớp, các giới, các đảng phái chính trị, với đầy đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, các nhà tư sản, người buôn bán ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam; gồm 403 đại biểu (trong đó, Bắc Bộ có 152 đại biểu, Trung Bộ có 108 đại biểu, Nam Bộ có 73 đại biểu và 70 đại biểu không thông qua bầu cử là đại diện của Việt Quốc, Việt Cách) thực sự là hình ảnh tượng trưng cho khối toàn dân đoàn kết; minh chứng hùng hồn cho việc thực hiện tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tế thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này cho thấy, toàn dân Việt Nam đã thực sự được “hưởng một phần độc lập, tự do” bằng lá phiếu cử tri của mình; đã khẳng định với thế giới quyền công dân của mình. Trong cuộc Tổng tuyển cử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tròn nghĩa vụ công dân và Người cũng giải thích rõ lý do vì sao Người không thể không thực hiện quyền công dân, không qua bầu cử mà trở thành người lãnh đạo nhà nước khi được hỏi “Thế sao Cụ không tự chỉ định Cụ ra làm Chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi?” rằng: “Vì tôi không muốn làm Vua Lui thập tứ”[5]. Điều này không chỉ thể hiện tính dân chủ, bình đẳng của cuộc Tổng tuyển cử mà còn khẳng định cách thức vận hành, tổ chức, thực thi dân chủ và thực hiện quyền dân chủ của người dân Việt Nam trong chính thể dân chủ cộng hòa.

4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở Việt Nam đã được hiện thực hóa trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, để thành lập Chính phủ chính thức (kỳ họp thứ nhất ngày 3/2/1946), thông qua Hiến pháp 1946 (kỳ họp thứ hai, ngày 9/11/1946), tạo cơ sở pháp lý về mặt đối nội và đối ngoại cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

75 năm trôi qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 nhiệm kỳ và đang chuẩn bị bầu Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2021, song ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm quý báu về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Có thể khẳng định rằng, sự kiện lịch sử trọng đại này là một minh chứng sinh động về lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam (khi đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) vào vị trí, vai trò, sức mạnh của nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước; là sức mạnh của lòng dân tin Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là dấu ấn đột phá về dân chủ và thực thi dân chủ ở Việt Nam.

5. Cùng với thời gian, việc thực thi dân chủ, đảm bảo quyền công dân ở Việt Nam nói chung, về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nói riêng ngày càng được đảm bảo. Nó khác xa những luận điệu bịa đặt, vu khống của những người giả danh dân chủ, đòi dân chủ, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; khác xa những luận điệu xuyên tạc rằng, tổ chức bầu cử dưới chế độ một đảng thông qua hội đồng bầu cử các cấp chẳng qua chỉ là “cánh tay nối dài của Đảng” và “bầu cử kiểu đó” là không khách quan, không dân chủ, tiêu cực, áp đặt…

Việc thực hiện nghiêm túc trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mỗi người dân Việt Nam trong 14 kỳ bầu cử Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khác hoàn toàn những điều vu cáo của các thế lực phản động đăng trên mạng xã hội rằng: Chế độ Đảng độc quyền ở Việt Nam là “không có dân cử, dân bầu, chỉ có Đảng cử, Đảng bầu” và đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất dân chủ trong bầu cử. Nó cũng khác hoàn toàn về bản chất với những chiêu bài kêu gọi “tự ứng cử đại biểu Quốc hội” hay vu cáo “hiệp thương là nhằm loại bỏ những người tự ứng cử”… để chống phá các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp của các đối tượng, phần tử chống đối ở trong và ngoài nước./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.166

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.153

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.166

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.168

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.146

Trần Phúc Đông A

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất