26 C
Hanoi
Thứ Bảy, Tháng Sáu 3, 2023
spot_img

Mượn sách giáo khoa để gây sự?

Vụ sách giáo khoa lớp 1 cho trẻ nhỏ gây bão thực sự trong dư luận. Đến mức, từ sáng sớm tới chiều tối, những con ngựa tía, con cua, con cá, con cò…nhảy bổ vào bàn trà, bàn cà phê, mâm cơm, thành chủ đề bàn luận nhiều khi tới mức căng thẳng giữa những người lớn với nhau.

Truyền thông thì thôi rồi. Mấy ông “báo quốc doanh” thi nhau có bài “choảng” bộ sách “Cánh diều” do ông nghị danh tiếng một thời Nguyễn Minh Thuyết – đóng hàm giáo sư – chủ biên, với những phân tích, chất vấn, quy kết không thể nói là không xóc óc.

Nhưng đình đám hơn nữa là cánh báo chí “ngoài quốc doanh” – tức mạng xã hội. Một cái “tút”, kèm theo  là cả trăm, nghìn cái “còm”. Việt Nam là cường quốc về mạng xã hội, vậy nên, làm gì có chuyện “nóng” như vụ sách giáo khoa này mà được bỏ qua. Trăm, nghìn “tút” là cái chắc. Điều đó hẳn khiến những người làm sách điên đầu, cho dù, bên ngoài nói cứng rằng: tôi vẫn…bình tĩnh, như GS Thuyết, người phải chịu sào trong vụ này.

Nói gì thì nói, bức xúc về một vấn đề liên quan đến giáo dục con trẻ thì dư luận làm ầm lên thế. Chứ một khi, những người làm sách cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu để sửa chữa, thì dư luận lại “giận thì giận, mà thương thì thương” ngay ấy mà. Thì đấy, dẫu chưa tan hẳn, nhưng “cơn bão dư luận” đã có chiều dịu xuống sau khi vị tổng chủ biên và nhóm làm sách lên truyền thông trần tình, đối thoại trực tiếp với dư luận, thay vì lấp ló trong bóng tối, câu được, câu chăng thanh minh, thanh nga trước dư luận như mấy ngày đầu.

Nhưng, ăn theo dư luận kiểu Đỗ Ngà (ĐN) trong bài viết “Giáo dục XHCN, vì sao càng thay đổi càng nát” (trang Thông luận, ngày 11/10), thì ĐN đích thị tự phơi “cái mặt không chơi được” (mượn chữ nhà văn Nam Cao).

Trong bài viết trên, ĐN hơi mất thì giờ giải thích về giáo dục khai phóng. Nào có ai không biết thế đâu. Thậm chí, có người còn biết sâu sắc hơn. Chỉ có điều, thuyết phục được người khác phần nào về giáo dục khai phóng, thì cũng ĐN, lại tùy tiện ví von: “Nếu phân tích kỹ cụm từ “Nền giáo dục XHCN” thì chúng ta thấy một hình ảnh chim lồng khá rõ nét, “giáo dục” chính là con con chim và “XHCN” chính là cái lồng đã nhốt con chim ấy lại. Vậy nên, đã là “giáo dục XHCN” thì nó là một kiểu giáo dục ngục tù, nó không thể là “giáo dục khai phóng” được”.

Quy chụp cho người tù túng trong “cái lồng” chật hẹp, nhưng thật sự là chính ĐN đã bị ám ảnh và tự nhốt chặt trong “cái lồng” của chính mình. Thế nên, chuyện “lồng, rọ” cứ quanh quẩn mãi trong bài viết. Càng cố chứng minh, bài xích người khác, ĐN càng lộ ra cái sự vụng lý cùng động cơ đen tối của mình.

 Hỏi lại ĐN: “chim lồng” nào ở đây, khi trong Nghị quyết 29, ngày 4/11/2013, có tên là “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN”, Đảng CSVN, cùng với khẳng định quan điểm “giáo dục là quốc sách”, đã nhấn mạnh: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” (…) Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. (…) Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. (…) người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; (…) Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại…”.

Liên quan sách giáo khoa, Nghị quyết cũng nêu: “Biên soạn bộ sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng…”

Với những yêu cầu trên (chưa đề cập những nội dung cũng rất thiết thực của Nghị quyết), có thể khẳng định, nhận thấy những yếu kém, bất cập của nền giáo dục sau chiến tranh, Việt Nam đã quyết tâm đổi mới để có một nền giáo dục hiện đại, góp phần đưa đất nước phát triển, bắt kịp với thời đại.

 Nền giáo dục đó, với quan điểm, mục tiêu, yêu cầu nêu trên, chẳng lẽ không thể hiện, không mang tinh thần khai phóng hay sao? Và đố ĐN tìm trong Nghị quyết nêu trên một từ nào có ý khuyến khích, cổ vũ “dạy cho trẻ con tính gian manh lọc lừa ngay trong những bài học” – như ĐN gán ghép.

Chuyện sách giáo khoa nói chung, hay bộ sách “Cánh diều” đang ầm ĩ trong dư luận, nếu thật có sạn, chất lượng thấp, thậm chí, đáng vứt vào sọt rác, thì là do năng lực hạn chế của nhóm tác giả, do trách nhiệm của những người, đơn vị liên quan, và cơ quan chức năng sẽ “nói chuyện” với họ, chứ sao có thể vì đó mà quy kết như ĐN rằng: “Nền giáo dục XHCN về cơ bản nó không hướng con người đến với đạo đức…”; “giáo dục XHCN là loại giáo dục bị nhốt trong cái lồng hẹp”; lại la lối, làm như nhà nước, thể chế chính trị Việt Nam luôn thù địch một nền giáo dục khai phóng (?!), v.v…

Mà thôi, ai đó nói, viết thế, có thể nghĩ khác, chứ trang Thông luận đưa bài của ĐN thì có gì đâu mà hốt hoảng và lấy làm lạ?

 Và khi ĐN viết: “Giáo dục Việt Nam không thể tiến nếu cứ nằm mãi trong cái lồng XHCN”,  thì ai cũng thấy, ĐN đâu có xót xa cho con trẻ, đâu có góp ý với tinh thần xây dựng. Ngược lại, ý đồ của ĐN chỉ là mượn vụ sách giáo khoa mà dư luận đang bức xúc, như một cái cớ để gây sự, bài xích nhà nước và thể chế chính trị Việt Nam, như ĐN và trang Thông luận vẫn làm lâu nay, mà thôi.

Nguyễn Đức Vinh

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất