22 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng Ba 29, 2023
spot_img

“Ngụy biện của tuyên giáo” hay Phạm Nhật Bình bị hack não?

Ngụy biện của tuyên giáo” hay Phạm Nhật Bình bị hack não?

TRẦN PHỤNG HOÀNG NHI

“Đa đảng là một hình thức sinh hoạt chính trị phổ biến ở hầu hết các nước theo thể chế dân chủ trên thế giới. Chỉ riêng ở Việt Nam và một số quốc gia độc tài nguỵ trang dân chủ, đa đảng chẳng những là một đề tài cấm kỵ mà còn bị các cơ quan tuyên giáo trung ương ra sức bài bác một cách lố bịch, với não trạng xơ cứng rằng “đa đảng là hỗn loạn”- Trích đoạn mở đầu trong bài viết “Sự ngụy biện của đám tuyên giáo” của Phạm Nhật Bình (PNB) đăng trên trên các trang Việt Tân; chantroimoimedia.com; m.facebook.com…

Khi viết bài viết này, hẳn PNB không hiểu rõ rằng: Ngụy biện là sự cố ý vi phạm các nguyên tắc về logic trong suy luận nhằm làm cho người nghe/người đọc bị đánh lạc hướng; làm cho người khác tưởng cái sai thành cái đúng và ngược lại… nên mới hằn học cho rằng cơ quan tuyên giáo của Việt Nam ngụy biện.

Tuyên giáo Việt Nam ngụy biện đâu thì không thấy, chỉ thấy hẳn là PNB bị hack não nên mới phát ngôn thiếu suy nghĩ, không logic về một vấn đề vốn không xa lạ gì trong đời sống chính trị thế giới, càng không xa lạ với mỗi người dân Việt Nam. Bởi rằng, ai cũng biết: Vấn đề đa nguyên, đa đảng, chế độ dân chủ đa nguyên… vốn một trong nhiều nội dung của chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực phản động, thù địch luôn muốn/thường xuyên triển khai ở Việt Nam. Những chiêu trò này khi tỏ ra yên ắng, khi bùng phát dữ dội trên mạng xã hội thật ra không có gì mới, chỉ là cứ nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước thì nhóm các người núp bóng dân chủ, trong đó có PNB lại phát động, tung dồn dập lên trên các phương tiện thông tin truyền thông, trên internet, mạng xã hội với thái độ hằn học và giọng điệu kích động nhân tâm.

Người dân Việt Nam thì lại càng thấu hiểu sâu sắc hơn về vấn đề đa nguyên, đa đảng, về sự lựa chọn và sự tin tưởng của chính mình vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vào con đường cách mạng Việt Nam mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn dân đã lựa chọn và kiên định thực hiện. Gần 100 năm qua, nhất là 75 năm sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và 35 năm đất nước đổi mới và hội nhập, vị trí và vai trò độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam lại càng được lịch sử chứng minh là đúng đắn. Đồng thời, với diện mạo, vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, có thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành trọng trách của mình trước Tổ quốc và nhân dân, đã luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của nhân dân.

Cho nên, một là, dù được ẩn giấu dưới một vỏ bọc có vẻ tinh vi, song âm mưu chống Đảng Cộng sản Việt Nam; bôi xấu cơ quan tuyên giáo, gọi những người làm công tác tư tưởng, văn hóa  của Đảng Cộng sản Việt Nam là “các bồi bút của Ban Tuyên giáo” của PNB trong bài viết nêu trên thì đã rõ. Nó không chỉ thể hiện trong việc trích dẫn, nhận định sai về bài viết “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa đảng” của TS. Vũ Thị Nghĩa (Trường Chính trị Đồng Nai) mà sâu sa hơn là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhất là xuyên tạc, phủ nhận sự lựa chọn, tin tưởng và đồng lòng đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam của nhân dân Việt Nam.

Thật ra, nếu PNB không bị hack mà chịu khó nghiên cứu thì sẽ thấy rất rõ không phải chỉ có đa đảng mới có dân chủ, mà ngay cả khi Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo cách mạng thì ở Việt Nam dân chủ luôn được phát huy. Thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1]. Vì thế, khi nói “nước ta là nước dân chủ” – cũng có nghĩa là nói “nhà nước dân chủ” và “xã hội dân chủ”; trong đó, “Dân” trong “dân chủ” là khái niệm chỉ toàn thể nhân dân Việt Nam.

Ngay từ trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên (6.1.1946) của nước Việt Nam độc lập và cho đến hiện nay, nguyên tắc bình đẳng, phổ thông, bỏ phiếu kín: hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái…; hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó, đều đã được thực hiện. Đây chẳng phải là dân chủ thì là gì mà PNB lại bịa đặt rằng “Ngay cả quyền đi bầu người lãnh đạo đất nước cũng chưa bao giờ được làm?”

Cho nên, dân chủ ở Việt Nam đúng như V.I. Lênin nhấn mạnh: “Dân chủ là tự do, là bình đẳng, là quyết định của đa số; còn có gì cao hơn tự do, bình đẳng, quyết định của đa số nữa”[2] và vì thế, đương nhiên “chế độ độc đảng cầm quyền ở Việt Nam hoàn toàn có thể bảo đảm và phát huy dân chủ”. Với vị thế là Đảng cầm quyền, độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam – Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hành và phát huy dân chủ.

Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam có phải do nhân dân Việt Nam lựa chọn hay không vốn không phụ thuộc vào những kẻ bồi bút, phản dân, bị hack não như PNB. Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với đường lối chính trị đúng đắn đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa nhân dân Việt Nam từ vị trí người nô lệ thành chủ nhân một nước Việt Nam độc lập, có quyền quyết định vận mệnh của mình, dân tộc mình hẳn là minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn của nhân dân ta.

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và chế độ phong kiến nhà Nguyễn, đã có rất nhiều phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta nổ ra: nhỏ có, lớn có, dài có, ngắn có, song cuối cùng đều thất bại. Con đường bạo động hay cải cách, dân chủ, duy tân cuối cùng cũng không thu được kết quả. Đất nước vẫn đắm chìm trong đêm trường nô lệ…Ấy là vì ở Việt Nam khi đó thiếu một chính đảng cách mạng kiểu mới, với một đường lối cứu nước mới, đáp ứng yêu cầu của lịch sử cách mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Vì thế, khi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, với con đường cứu nước đúng đắn theo cách mạng vô sản, Người đã chuẩn bị chu đáo và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam – chính đảng cách mạng kiểu mới – đội tiền phong của giai cấp và dân tộc Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo được thông qua tại hội nghị thành lập Đảng đã giương cao ngọn cờ độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngọn cờ đó, “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3] đã hấp dẫn mọi người Việt Nam yêu nước và nhân dân Việt Nam đã tin tưởng, lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng lòng và kiên định đi theo Đảng, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 75 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển đã cho thấy con đường cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng đắn.

Ba là, vai trò cầm quyền, độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam được thực tiễn lịch sử chứng minh là đúng đắn, là không thể phủ nhận. Lịch sử cách mạng Việt Nam cũng từng có các chính đảng như Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam phục quốc đồng minh hội, Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam xã hội… song đều không thể đảm đương sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vì thế, để vừa khẳng định vai trò độc quyền lãnh đạo vừa xứng đáng xứng đáng với vai trò cầm quyền của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn tự chỉnh đốn và đổi mới; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác. Trong mọi thời điểm, Đảng luôn luôn vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn nâng cao tầm trí tuệ và năng lực lãnh đạo cũng như sức chiến đấu của Đảng; coi trọng thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng; chú trọng công tác cán bộ, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ; rèn luyện đạo đức cách mạng; đảm bảo thực hiện dân chủ… chứ không phải như PNB bịa đặt, bôi đen về Đảng, về sự phân chia quyền lực trong Đảng. Nhân dân Việt Nam hiểu vị trí, vai trò của mình và càng thấu hiểu, ghi nhận và tin tưởng vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vào tương lai của dân tộc Việt Nam. Không ai dùng “những giọng điệu lạc hậu khinh miệt nhân dân” mà chỉ có những người như PNB đang lừa phỉnh, mị dân bằng những ngôn từ xảo trá mà thực chất là coi thường trí tuệ và bản lĩnh của nhân dân Việt Nam – những người làm nên lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo cảu Đảng Cộng sản Việt Nam!


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.232

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.38, tr.41

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất

Hương Sen Việt