28 C
Hanoi
Thứ Năm, Tháng Sáu 1, 2023
spot_img

Nhận diện các quan điểm lệch lạc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Một số quan điểm, hiện tượng sai trái trong đời sống văn học, nghệ thuật

Nền văn học, nghệ thuật Việt Nam những năm qua đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động trái chiều của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước, nhất là khi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng văn học, nghệ thuật để xuyên tạc, chống phá, đả kích về Đảng và chế độ. Đây được xem là một trong những nguy cơ lớn cần được nhận diện và xử lý để làm lành mạnh, trong sạch đời sống văn hóa, văn nghệ ở nước ta hiện nay.

Trong lịch sử văn hóa, văn nghệ nước nhà, từng có những văn nghệ sĩ có quan điểm, lập trường, nhận thức phiến diện, cực đoan, sai lầm, lệch lạc… tác động xấu đến đời sống chính trị – xã hội. Do thiếu bản lĩnh chính trị, không được rèn giũa, trải nghiệm thực tiễn, bị những thế lực phản động dụ dỗ, mua chuộc, một số văn nghệ sĩ, trí thức đã hiểu sai về bản chất của cách mạng, về đường lối, chủ trương của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Họ lợi dụng chiêu bài “tự do dân chủ”, “tự do ngôn luận”, nấp sau những hình tượng ẩn dụ của văn học, nghệ thuật để xây dựng hình tượng nhân vật mang màu sắc chống đối, đả kích Đảng, chế độ và hoài nghi các anh hùng dân tộc và thành tựu cách mạng, gieo rắc những tư tưởng bi quan, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

chiec-noi-am-nhac-viet-nam-buoc-sang-tuoi-70-2-1607593330.jpg

Khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ít hiện tượng văn học, nghệ thuật tiêu cực nảy sinh, chạy theo một số chiều hướng, như phủ nhận thành tựu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kích động sự thù hằn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gieo rắc tư tưởng bi quan, hoài nghi, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; “hạ bệ thần tượng”, “giải thiêng” và đi sâu khai thác những câu chuyện đời tư của các anh hùng dân tộc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước theo hướng thêu dệt, thổi phồng, bóp méo. Hầu hết các tác phẩm này được in ấn, xuất bản ở nước ngoài với sự tài trợ của các nhóm, thế lực công khai chống đối Đảng, Nhà nước ta. Bằng những chiêu thức quảng bá mang tính giật gân, câu khách, những tác phẩm này đã kích thích sự tò mò, chú ý của nhiều bạn đọc, tạo những nhận thức sai lệch về cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Không chỉ trong phạm vi văn chương mà trong các loại hình nghệ thuật khác, như âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, một số ca sĩ, nghệ sĩ cũng bị chi phối bởi cái nhìn lệch lạc, bị giật dây bởi các thế lực thù địch trong và ngoài nước, từ đó viết những ca khúc đi ngược lại giá trị chân – thiện – mỹ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí mang tư tưởng phản động. Trong bối cảnh công nghệ thông tin, in-tơ-nét, mạng xã hội phát triển như hiện nay, trên không gian mạng xuất hiện không ít sản phẩm mang tính đồi trụy, phản động.

Phương thức, thủ đoạn dùng văn học, nghệ thuật để cổ súy cho những tư tưởng phản động, sai trái không chỉ diễn ra ở trong nước mà bằng sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại, truyền thông đa phương tiện ở nước ngoài, các thế lực thù địch đã mở nhiều chuyên trang về văn học, nghệ thuật gieo rắc những tư tưởng, quan điểm lầm lạc, gây những hệ lụy xấu trong nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống dân tộc, về lãnh tụ của đất nước. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện ở nước ngoài có 52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, mạng in-tơ-nét, 429 báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta. Hằng năm, có hơn 3.000 tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng, 28.000 thư ân xá quốc tế xâm nhập, tán phát qua con đường bưu điện quốc tế dưới dạng quà cáp, khoảng 11.000 ấn phẩm được đưa vào bằng nhiều con đường khác nhau.

Gần đây, đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà cũng phải đối diện với những hiện tượng mới nảy sinh, như trường hợp một số văn nghệ sĩ, trí thức có uy tín, từng công tác, đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật muốn vận động, thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập”. Tổ chức này đã mạo danh chấn hưng nền văn học để thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối thông qua các hoạt động bất hợp pháp, chống phá Đảng và chế độ ta. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng không ít văn nghệ sĩ tận dụng những lợi thế của những trang mạng cá nhân, các blog, tài khoản zalo, trang mạng xã hội facebook để bình luận những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan. Cảm xúc nhất thời theo những trào lưu, khuynh hướng trên mạng của một số văn nghệ sĩ này đã gây hiểu lầm nhất định cho công chúng, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, xã hội. Trên trang facebook cá nhân, một số văn nghệ sĩ, trí thức cũng đã đăng tải những trạng thái, những bài thơ, đoạn trích văn xuôi, bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, lên án chính quyền, tạo cớ để các thế lực thù địch có dịp chống phá Đảng và chế độ ta.

Một số giải pháp đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái và thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Thứ nhất, Đảng, Chính phủ kiên trì quan tâm việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật tuân thủ nghiêm ngặt quy luật khách quan, khoa học trên cơ sở mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa văn học, nghệ thuật với đời sống chính trị – xã hội. Văn học, nghệ thuật phải bám sát thực tiễn, hướng về về nhân dân, đất nước, phụng sự sự nghiệp đổi mới, kiến thiết đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội; ngợi ca con người, bảo vệ chân lý và những giá trị tốt đẹp; phê phán, lên án cái ác, cái bất công; hướng con người vươn tới những giá trị chân – thiện – mỹ.

Khi xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách phải coi trọng tổng kết thực tiễn; lắng nghe, tôn trọng ý kiến, quan điểm và cá tính sáng tạo, phong cách cá nhân của đội ngũ văn nghệ sĩ; không can thiệp một cách máy móc vào đời sống văn học, nghệ thuật. Tránh những đánh giá mang thiên kiến chủ quan, áp đặt cá nhân, quy chụp, nhất là với một số hiện tượng văn học, nghệ thuật mới nảy sinh. Trước những vấn đề mới, phức tạp, cần tranh thủ ý kiến thẩm bình, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, những nhà nghiên cứu, phê bình có uy tín và nhất là ý kiến của công chúng, bạn đọc để đưa ra kết luận chính xác. Bảo đảm tự do sáng tác, khuyến khích những ý tưởng mới, những cách làm hay, sáng tạo, đẩy lùi những tư tưởng cực đoan, phiến diện, sai lầm, ngăn chặn những hiện tượng, quan điểm sai trái, thù địch len lỏi vào đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.

Thứ hai, Chính phủ cần chủ động xây dựng, ban hành những chính sách, quy định phù hợp đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nói chung và các loại hình văn học, nghệ thuật cụ thể (như văn chương, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, điêu khắc, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, múa), trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của lực lượng sáng tác để đội ngũ văn nghệ sĩ yên tâm sinh hoạt, cống hiến. Trong bối cảnh, tình hình mới với sự xuất hiện của các loại hình truyền thông đa phương tiện, sự bùng nổ, phát triển của mạng xã hội, in-tơ-nét, những tác động trái chiều của quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh việc tuân thủ những quy định về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ chung của công dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, thì mỗi văn nghệ sĩ cần ý thức rõ về trách nhiệm, tuân thủ chặt chẽ những quy định về phát ngôn, phát tán thông tin, đưa tác phẩm lên mạng xã hội; thực hiện tốt Luật An ninh mạng (2018) khi tương tác, bình luận về các sự kiện, vấn đề nóng, liên quan mật thiết đến tình hình an ninh chính trị của đất nước.

Thứ ba, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của văn nghệ sĩ. Kiểm soát tốt các khâu công bố, xuất bản, phát hành, công chiếu các tác phẩm văn học, nghệ thuật; thẩm định chặt chẽ nội dung thông qua hội đồng chuyên ngành để sàng lọc, loại bỏ những sản phẩm độc hại, phản giá trị. Kiên quyết thu hồi và xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình lợi dụng kẽ hở của không gian mạng, kết nối với các tổ chức phản động, lưu vong ở nước ngoài để viết, in ấn, phát tán những tác phẩm có nội dung thiếu lành mạnh, vi phạm thuần phong mỹ tục, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia – dân tộc.

Thứ tư, người đứng đầu các cấp hội văn học, nghệ thuật, ngoài năng lực quản lý còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đời sống văn học, nghệ thuật, hiểu tâm lý văn nghệ sĩ, có uy tín, bản lĩnh nghề nghiệp, có đạo đức, tư cách đúng mực, trong sáng, tạo được niềm tin đối với hội viên và nhân dân. Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các vùng, miền để không chỉ làm giàu bản sắc văn hóa mà nhất là đối với những nơi thường có các vụ, việc nhạy cảm, phức tạp, vùng biên giới… để kịp thời nhận diện âm mưu lợi dụng chống phá của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kịp thời phòng ngừa, khắc phục.

Nguồn: Tổng hợp

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất