Khi WHO công bố đại dịch Covid19, một cuộc điều tra khảo sát quy mô lớn toàn cầu do tổ chức Dalia Research (Đức) tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng hơn 32.000 người được hỏi. Theo kết quả được công bố cuối tháng 3/2020, có khoảng 40% số ý kiến, đại diện cho 2/5 dân số toàn cầu tin rằng chính phủ của họ đã có những phản ứng đúng mức với dịch bệnh. Theo đó, Việt Nam là quốc gia mà tỷ lệ người dân hài lòng cao nhất thế giới (62%) về phản ứng của chính phủ ứng phó với dịch bệnh, đứng thứ 2 là Argentina (61%), tiếp đến là Singapore (57%), Trung Quốc (56%), Nam Phi (56%).
Tại nhiều nước khác, gần một nửa số người được hỏi (43%) nói rằng chính phủ của họ đã hành động quá ít để chống Covid19. Cũng không có gì ngạc nhiên khi một số quốc gia cũng bị đa số người dân tỏ vẻ không hài lòng, cho là CP của họ đã phản ứng chậm, quá ít hành động, như Thái Lan 79% Chile (76%), Tây Ban Nha (66%), Pháp (64%) và Nhật Bản (64%)… Nhưng cũng lạ, với Mỹ có gần 20% dân Mỹ cho rằng TT D. Trump đang làm quá đà!.
Tại VN, đến nay, đang thực hiện “15 ngày cách ly xã hội” đồng bộ với hàng loạt biện pháp khác, dù mới có tín hiệu khả quan bước đầu nhưng “thời điểm quyết định” vẫn đang ở phía trước, nhưng người dân tin rằng, Chính phủ của họ đã hành động đúng…
Nhớ lại thời điểm dịch mới bùng phát hồi tháng 2, khi Chính phủ sử dụng các biện pháp kiên quyết như đóng cửa trường học, kiểm soát chặt biên giới trên bộ và hạn chế đường hàng không với Trung Quốc… đã từng có nghi ngại liệu có cần thiết phải sử dụng các biện pháp mạnh như thế không? Nay, khi nhìn lại quãng thời gian CP đưa ra những quyết sách mạnh mẽ nhưng đầy khó khăn đó, ai cũng thấm thía, nếu không hành động sớm như vậy thì không biết hậu quả sẽ còn khôn lường thế nào. Bởi VN không xa “điểm nóng” Vũ Hán, có 7 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc nên Chính phủ đã lựa chọn biện pháp mạnh ngay từ đầu. Đó chính là điểm cộng đầu tiên mà đến nay giữa lúc dịch dã đang diễn biến phức tạp thì người dân càng thấu hiểu và ghi nhận sâu sắc hơn, Chính phủ đã phản ứng nhạy bén, quyết đoán, nhanh chóng và hiệu quả như thế nào.
Cũng không thể không thừa nhận việc lắng nghe và đề cao ý kiến của các chuyên gia, tận dụng tối đa “thời điểm vàng” để khoanh vùng, dập dịch từ “ổ”, kiên quyết cách ly và sàng lọc các đối tượng dù tốn kém biết bao công sức và tiền của… nhưng CP VN vẫn quyết tâm vì mục tiêu cao nhất là sức khoẻ và tính mạng người dân.
Người dân được cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng, chống dịch, được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia chống dịch. Cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội chuyển động, từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở. Từ ngành y, công an, quân đội đến thanh niên, học sinh, các hội… Đó chính là sức mạnh của sự đồng lòng, muôn người như một, cùng một mục tiêu chiến thắng dịch Covid19.
Người dân có tin tưởng, có ủng hộ Chính phủ thì mới sẵn sàng góp công, góp của, góp sức, không hề do dự. Có ở đâu mà người già góp gạo, góp rau, trẻ em học sinh góp tiền mừng tuổi, vẽ tranh, làm clip ủng hộ “toàn dân chống dịch”, giới nghệ sĩ đi đầu quyên góp chống dịch, kiều bào cũng sẵn sàng kịp thời ủng hộ chống dịch cùng CP…
Điều sâu xa nữa, CP không chỉ có tầm mà còn có tâm trong chỉ đạo chống dịch. Nếu không hành động vì dân, không đặt mục tiêu tối thượng là tính mạng con người, chắc chắn Chính phủ đã không nhận được sự ủng hộ như vậy. Tuyên bố “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe người dân, chăm lo người mất việc, doanh nghiệp khó khăn… vì dịch, chuẩn bị từ phương án mạnh và tối ưu nhất để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra…
Cách làm của Việt Nam không chỉ được người dân tin cậy mà còn được bạn bè quốc tế ca ngợi và nêu gương. Báo chí nhiều nước phương Tây đã ca ngợi VN đã kịp thời đưa ra đồng bộ các biện pháp ứng phó với dịch Covid19 hiệu quả. Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc với đường biên dài tới hàng nghìn km, VN cũng là nước được đánh giá không cao về hệ thống y tế và không có nhiều ngân sách cho hoạt động phòng dịch. Song Việt Nam mới chỉ ghi nhận 245 trường hợp nhiễm virus Cô rô na và chưa có ca tử vong nào, là một trong 3 nước trên thế giới có trên 200 ca nhiễm mà chưa có ca tử vong tính đến nay 6/4/2020 !.
Cũng dễ hiểu khi báo chí phương Tây ca ngợi Việt Nam cho đến nay đã làm rất tốt công cuộc chống dịch trong bối cảnh các ca nhiễm bệnh và tử vong do chủng vi rút nguy hiểm này gia tăng nhanh theo cấp số nhân ở nhiều nước phát triển. WHO ghi nhận đến 18h ngày 6/4/2020, chỉ riêng ở Đức đã có 100.132 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 1.584 ca tử vong; Anh có 47.806 ca mắc và 4.934 ca tử vong; Pháp có 92.839 ca mắc và 8.078 ca tử vong; Mỹ có số ca mắc cao nhất tới 336.851 và 9.620 ca tử vong; và Ý có 128.948 ca mắc đứng thứ ba thế giới nhưng có số ca tử vong đứng đầu thế giới với 15.887.
Không thể không thừa nhận Chính phủ VN đã có sự chuẩn bị tốt, TTg CP sớm cảnh báo và đã “tuyên chiến” “chống dịch như chống giặc” với vi rút Cô rô na ngay khi dịch Covid19 mới bùng phát ở Vũ Hán. Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực và thực hiện chính sách cách ly quyết liệt, theo đó thực hiện tìm kiếm tất cả những người đã tiếp xúc với người nhiễm virus. Ngay từ ngày 12/2, Việt Nam đã thực hiện cách ly kiểm soát dịch toàn bộ một xã 10.000 dân ở gần Hà Nội trong 3 tuần mà ở thời điểm đó, Việt Nam mới ghi nhận 10 trường hợp mắc vi rút Cô rô na, và đã khống chế dịch trong một thời gian quan trọng.
Ngoài ra, không giống nhiều nước phương Tây, trong đó có Đức, khi chỉ tập trung chú ý tới người bị nhiễm và những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, Việt Nam lại phân loại, theo dõi từ người nghi nhiễm (F1), đến người tiếp xúc người nghi nhiễm (F2) và thậm chí cả người tiếp xúc với F2 (F3)… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sớm tiến hành cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người trở về từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và cho học sinh các cấp nghỉ học ngay từ đầu tháng 2 khi có những ca nhiễm Cô rô na đầu tiên.
Như thế đại dịch này cũng là dịp để nhân loại nhìn lại chính mình và thay đổi cách mà chúng ta nhìn nhận cũng như ứng xử với nhau.
Và như đã nói ở trên sức mạnh để khống chế “giặc dịch” là sức mạnh của nhân dân VN. Và sức mạnh đó không đột nhiên sinh ra, với VN, nó được rèn đúc bởi những gian nan trong suốt lịch sử và trở thành sức mạnh tiềm ẩn nội tại bản chất của dân tộc VN, mạnh mẽ và bất khuất !.
Như dân ca miền Trung đã đúc kết rằng “qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau”. Thực tế diễn biến dịch Covid19 cho thấy đa số người dân Việt Nam đều đồng tình, thấu hiểu, biết ơn và tin tưởng các biện pháp chống dịch của Chính phủ.
Trong thư gửi về từ châu Âu, một du học sinh chia sẻ: “Nếu không có đợt dịch này thì nhiều người, kể cả tôi không nhận ra Việt Nam mình đáng trở về như thế nào, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới…”./.
Trần Công Nghệ