33 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Năm 30, 2023
spot_img

Suy nghĩ về công việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trên thế giới, quốc gia nào cũng phải quan tâm bảo vệ hệ quan điểm cho việc thiết lập nền chính trị, thi hành thể chế của mình. Đối với Việt Nam cũng vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một việc thiết yếu. Qua quan sát dư luận và báo chí, tôi thấy cần mạnh dạn nêu lên một số suy nghĩ sau.

Thứ nhất, phân biệt rõ quan điểm sai lầm, sai trái, thù địch. Điều trước tiên cần phân biệt rõ quan điểm sai lầm và quan điểm sai trái để có thái độ, cách thức đấu tranh phù hợp, hết sức tránh quy kết, chụp mũ. Bởi đối với một người có quan điểm sai lầm do chưa tìm hiểu cặn kẽ, do bị “tiêm nhiễm” thông tin sai lệch, nhưng khi được đối thoại, cung cấp thông tin, tranh luận thì họ sẽ hiểu ra đâu là sự thật, đâu là vấn đề của quy luật khoa học. Quan điểm sai trái là quan điểm phản ánh không đúng hiện thực khách quan, tức là sai lầm và trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Như vậy, quan điểm sai lầm khác với quan điểm sai trái ở mức độ và tính chất. Ai cũng có thể mắc sai lầm vì năng lực tư duy, vì phương pháp nhận thức thiếu khoa học, thiếu dữ kiện, vì chân lý chỉ là tương đối… Còn quan điểm thù địch bao hàm cả quan điểm sai trái và mục đích của quan điểm thù địch là chủ ý, mang tính phá hoại. Người có quan điểm thù địch vẫn sử dụng những kết quả nhận thức đúng đắn, chân thực để tuyên truyền xuyên tạc, hoạt động chống phá. Đối với quan điểm sai trái, thù địch cần đấu tranh phản bác kiên quyết kết hợp với các biện pháp hành chính, pháp lý.

Thứ hai, thận trọng trong lập luận đấu tranh để không trở thành “tuyên truyền không công” cho địch. Trong thực tế đấu tranh, có không ít cán bộ tuyên truyền, kể cả chuyên gia đã sử dụng trích đoạn các bài viết có quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội làm nội dung để đấu tranh phản bác. Những quan điểm càng mới, mơ hồ lại càng có vẻ hấp dẫn. Cách làm này vô hình chung đã tiếp tay tuyên truyền cho quan điểm sai trái, thù địch. Thực tế, ta chỉ cần lấy một vài ví dụ phổ biến đang bị lợi dụng nhiều để chứng minh, phản bác. Hoặc nhiều khi trong đấu tranh phản bác, chỉ cần chứng minh điều ngược lại với các quan điểm sai trái, thù địch trên cơ sở chính nghĩa và thực tiễn.

Thứ ba, cần hiểu rõ ai là chủ thể, là nơi phát tán các quan điểm sai trái thù địch. Trong thực tế khi chúng ta đấu tranh phản bác vạch trần bản chất phản khoa học, phản cách mạng của một quan điểm sai trái, thù địch thì các “chủ thể” lại tiếp tục đưa ra các quan điểm khác, tinh vi, xảo quyệt hơn. Trong khi hệ tư tưởng của chúng ta hiện nay cũng chưa hoàn thiện, có những vấn đề đã bị thực tiễn vượt qua; công cuộc đổi mới và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức, bất cập. Như vậy, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch sẽ càng khó khăn. Để có thể đấu tranh phản bác thuyết phục, hiệu lực, hiệu quả, ta cần hiểu tận gốc, xác định phân loại chủ thể của các quan điểm sai trái, thù địch để có biện pháp đấu tranh phản bác phù hợp.

Có thể kể đến các loại chủ thể, nguồn phát các quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu là: (i) Kẻ thù giai cấp là những người không thừa nhận hệ tư tưởng vô sản mà theo hệ tư tưởng tư sản. Đây là cuộc đấu tranh tư tưởng trên phạm vi toàn cầu, giai cấp tư sản đã có chiến lược, có bộ máy, lộ trình, thủ đoạn, kinh phí, phương tiện dồi dào, hiện đại để chống phá. Vì vậy, ta phải nâng tầm cuộc đấu tranh này lên tầm chiến lược, đấu tranh ở tầm trí tuệ, tầm lý luận, học thuyết. (ii) Kẻ thù chống đối chính quyền cách mạng là những kẻ thuộc về “phe” đã thất bại trong các cuộc kháng chiến. Họ đương nhiên sẽ phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới và rất hả hê khi có những vấn đề khó khăn, vấn đề gây bức xúc cho nhân dân nảy sinh. Đây cũng là điều họ thường lợi dụng để khuếch đại và nói xấu chế độ cộng sản. Các quan điểm sai trái, thù địch của họ dễ thông qua con đường tình cảm gia đình, dòng họ để thẩm thấu vào Việt Nam. Nếu ta biết được nguồn gốc, lịch sử của họ trước hết là cảm hóa, lôi kéo họ trở về với dân tộc, đóng góp cho đất nước. (iii) Những kẻ phản bội, chính là những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hoặc là những người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài nhưng bị lôi kéo, mua chuộc quay lưng lại chống Đảng, chống chế độ. Quan điểm của họ thường được ngụy trang, núp bóng dưới những kiến nghị, đề xuất, sáng kiến canh tân, cải tổ đất nước, vì vậy dễ được quần chúng tin theo. Đây là lực lượng nguy hiểm dễ trở thành ngọn cờ chống đối. Cần có lực lượng nghiên cứu họ, kịp thời đấu tranh bằng luận cứ thuyết phục, sắc bén cùng với các biện pháp pháp lý, hành chính, công nghệ, kỹ thuật để phong tỏa thông tin, làm rõ biểu hiện suy thoái, cơ hội của họ để mọi người hiểu rõ.

Thứ tư, về mối quan hệ giữa bảo vệ và đấu tranh. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, có hai hoạt động cơ bản là bảo vệ đấu tranh. Thực hành phương châm kết hợp “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” kiên quyết. Tuy nhiên tùy từng giai đoạn, như hiện nay, việc phát tán các quan điểm sai trái, thù địch trở nên rất dễ dàng trên mạng xã hội nên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng phải tăng cường cùng với bảo vệ nền tảng tư tưởng là điều tất yếu. Dù vậy, thực hiện theo tôi hiểu trong chỉ đạo của Đảng Cộng sản vẫn “xây” là chính, lấy bảo vệ là chính, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tốt hơn.

Điều cần chú ý trong đấu tranh là những sản phẩm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm hướng tới đối tượng nào đọc, nghe, xem? Từ đó để xác định nội dung phản bác cần phải phù hợp với nhận thức của từng đối tượng, phải thể hiện bằng những hình thức phong phú, linh hoạt, phù hợp với giới trẻ và không gian mạng. Đồng thời, chú trọng lựa chọn hình thức, kênh thông tin, cả báo chí, truyền thông cả trên mạng xã hội để thong tin đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ. Để giành thắng lợi, đòi hỏi phải có nhận thức đúng mục tiêu, đối tượng, từ đó xác định đúng nội dung, phương thức đấu tranh phù hợp. Cần nghiên cứu thật kỹ nghị quyết và hiểu thật sâu bản chất đấu tranh tư tưởng chính trị. Từ đó có quyết tâm chính trị và niềm tin vào chiến thắng, không nôn nóng, không chủ quan, tuyệt đối không để xảy ra “bệnh hình thức” trong quá trình thực hiện…/.

Trà Việt

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất