21 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng Ba 29, 2023
spot_img

Tại sao Việt Nam?

Trong khi dịch bệnh Covid19 đang “cao trào” ở nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nga; các nước Đông Nam Á khác cũng ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm. Thì sáng 18/4/2020, Việt Nam xác lập thêm một kỷ lục đặc biệt là không ghi nhận ca mắc Covid19 nào trong 48 giờ liên tiếp. Tổng số ca bệnh đến 18/4 là 268 (160 người từ nước ngoài 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%); 70 ca đang điều trị; 198 ca gồm cả một số ca diễn biến nặng đã được chữa khỏi; chưa có ca tử vong!.

Dân Việt Nam tự hào vì thấy mình đang nổi lên như một trong những câu chuyện thành công lớn trong cuộc chiến với đại dịch Covid19 toàn cầu. Tự hào cũng đúng thôi. Hãng thông tấn DPA của Đức 13/4 đăng tải tít bài “Không có người chết: Thế giới có thể học hỏi từ cách ứng phó virus corona của Việt Nam”. Còn Mỹ, cũng tìm cách “giải mã” lý do Việt Nam cho đến nay có ít ca mắc Covid19 và chưa có trường hợp tử vong. Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) 15/4 đưa tin, “sự minh bạch và chủ động ứng phó của Việt Nam trước đại dịch Covid19 đã nhận được sự ca ngợi từ cả trong nước và quốc tế”. Đài NPR (Mỹ) ngày 16/4 đã đăng tải tít bài “Tại Việt Nam, số ca mắc Covid19 ít hơn 300 người và không có ca tử vong. Đây là lý do”…

Tóm lại, quốc tế họ đã giải mã và đây là những điều họ đã giải được:

– Việt Nam hành động sớm. CP Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch Covid19 ngay từ tháng 1 khi thông tin về dịch bắt đầu xuất hiện từ Vũ Hán. So sánh tình hình ở Việt Nam với Pháp, hai nơi phát hiện ca nhiễm đầu tiên gần như cùng thời điểm (23/1 và 24/1), Tiến sĩ Kullar (chuyên về bệnh truyền nhiễm, Đại học California, Mỹ) nói có sự khác biệt rất lớn khi Pháp hiện ghi nhận khoảng 150.000 người nhiễm và hơn 17.000 người thiệt mạng. Sự chênh lệch lớn về các con số của Việt Nam và Pháp cho thấy kết quả rõ ràng của một nước chủ động ngăn chặn sớm, nhanh và nghiêm ngặt, còn nước kia thiếu sự chuẩn bị kịp hay còn lý do gì?.

– Quyết tâm và cam kết chính trị tầm chiến lược. Truyền thông Đức, Mỹ quan sát và nhận định rằng, các biện pháp đối phó với khủng hoảng dịch bệnh của Việt Nam rất quyết liệt, “Việt Nam đã có cam kết chính trị ngay từ đầu ở cấp cao nhất. Và quyết tâm chính trị đó được triển khai nhất quán từ cấp trung ương tới địa phương” (lời ông John MacArthur, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ở Thái Lan).

– Việt Nam triển khai hàng loạt biện pháp chiến thuật, quyết liệt thực hiện cách ly tập trung từ sớm và cách ly xã hội mạnh từ 1/4, tích cực truy tìm những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Truyền thông Đức cho đây là phản ứng nhanh và quyết đoán hơn nhiều so với những nơi chỉ áp lệnh phong tỏa khi số ca nhiễm đã lên tới hàng nghìn người. Sớm đóng cửa trường học và tạm ngừng nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh không thiết yếu, đóng cửa các chuyến bay quốc tế, trong nước, phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ vận tải hành khách… là một trong những quyết định khó khăn nhất. Nhưng Việt Nam đã quyết tâm, lựa chọn hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt vì sức khỏe người dân. Cho tới giờ, Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu nới lỏng các hạn chế.

– Minh bạch thông tin. Foreign Policy cho biết CP Việt Nam “rất minh bạch với người dân về cuộc khủng hoảng dịch bệnh”. Chính NPR và các chuyên gia quốc tế cũng như WHO, CDC đã “tâm phục khẩu phục” khen ngợi Việt Nam nhanh chóng truy cập dấu vết các bệnh nhân Covid19 và đưa ra con số cùng thông tin khuyến cáo phòng, tránh, chống dịch rất kịp thời, chính sự minh bạch trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh là một minh chứng nguyên nhân để VN kiểm soát tốt Covid19.

– Xử lý nghiêm tin giả và những người vi phạm quy định về chống dịch. Những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra đường không có lý do trong thời gian cách lý xã hội sẽ bị phạt. Các bộ trưởng họp báo hằng ngày và phát biểu của họ được chiếu trên đài truyền hình quốc gia. Bộ Y tế và các nhà mạng gửi tin nhắn thường xuyên để cập nhật tình hình dịch bệnh cho người dân. Đường phố tại các thành phố lớn trở nên vắng vẻ.

– Cả xã hội vào cuộc. DPA cho rằng phần lớn thành công của Việt Nam trong việc ứng phó với dịch Covid19 nhờ vào “sự đoàn kết xã hội”. Khi những khó khăn về kinh tế do việc cách ly xã hội ngày càng rõ ràng hơn, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc, góp sức, hỗ trợ cộng đồng hoặc thay đổi vượt qua. Một số tổ chức, doanh nghiệp đã thiết lập những cây “ATM gạo”, siêu thị 0 đồng, suất ăn miễn phí… để phân phát miễn phí cho những người mất việc làm, thiếu thốn. Hiệu ứng truyền thông với những ấn phẩm tuyệt vời đã truyền đi tinh thần đoàn kết chống dịch của Việt Nam. Truyền thông rõ ràng và sự phối hợp giữa chính phủ và người dân, sự phối hợp giữa các trường học, giáo viên và sinh viên, học sinh bằng cách tận dụng công nghệ là những lý do chính khiến Việt Nam có tương đối ít ca mắc Covid19.

Mặc dù là nước có thu nhập trung bình và ngân sách dành cho y tế chỉ bằng một phần nhỏ so với các nước phát triển khác, nhưng hệ thống y tế của Việt Nam dường như không bị quá tải. Việt Nam thậm chí còn quyên tặng hoặc hỗ trợ sản xuất vật tư y tế cho các nước châu Âu; những cảnh báo về y tế của chính phủ Việt Nam cũng được dịch cho người nước ngoài.

Nhân đây nói thêm, với văn hóa người Việt, tinh thần quốc tế của người Việt Nam biểu hiện rõ nhất khi các nước khó khăn, tinh thần yêu nước và đùm bọc của người Việt Nam cũng biểu hiện rõ nhất khi dịch dã như lúc này, khi đất nước có giặc hay dịch giã, thì tất cả mọi người dân đều có trách nhiệm và đạo đức đóng góp cho đất nước, như lời Cụ Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm xưa, bất kỳ đàn ông đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, người giàu người nghèo, “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…” hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh ngoại xâm cứu nước, đánh Covid19 bay xa !.

Với những lãnh đạo, người lao động ở các ngành nghề, cơ quan thì việc đóng góp là đương nhiên, truyền thông Việt Nam ít chú ý đưa tin về sự quyên góp của họ, nhưng với những cụ già, em nhỏ cũng nêu cao tinh thần đóng góp đã được truyền thông biểu dương. Điều này là dễ hiểu. Không như luận điệu xiên xẹo và ngắn nghĩ của “Tư nghèo” (danhlambao), đúng là Tư nghèo nghèo tư duy, lười cả suy nghĩ, chả có một cắc hay một câu nào đóng góp cho cộng đồng chống dịch lại còn giọng điệu phá bĩnh lạc loài.

Quốc tế họ còn ca ngợi Việt Nam, mà lại có người lạc loài có giọng điệu lạc loài vậy đấy.

Mặc dù được ca ngợi, nhưng tôi thấy CPVN, bác Đam và ngành Y VN vẫn thận trọng, kiên trì quyết liệt tiếp tục các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Như thế là đúng lắm, người dân chúng tôi tin tưởng và ủng hộ, cùng chiến đấu và chiến thắng giặc Covid19…/.

Trà Việt

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất

Hương Sen Việt