Trí tuệ nhân tạo (AI) là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên của con người. Điều này làm dấy lên những tranh luận về bản chất của tâm trí và đạo đức khi tạo ra các sinh vật nhân tạo có trí thông minh như con người. Phần lớn ý kiến coi AI là một công cụ hữu ích phục vụ con người trong sản xuất, kinh doanh,… trong khi không ít người coi đây là “mối nguy hiểm” đối với nhân loại nếu tốc độ phát triển của nó ngày một tăng và khiến nguy cơ thất nghiệp của con người ngày càng hiện hữu.
Trang Business Insider mới đây cho biết, Tập đoàn Microsoft (được sáng lập ngày 4-4-1975 bởi tỷ phú Bill Gates và Paul Allen) đã quyết định sa thải 50 nhân viên tại bộ phận Microsoft News ở Mỹ. Báo cáo của The Guardian cũng cho biết, trong tháng 7-2020, các nhân viên duy trì trang chủ tin tức trên MSN và trình duyệt Edge của Microsoft, vốn đang được hàng triệu người sử dụng mỗi ngày, đã được thông báo bị sa thải với lý do giờ đây các robot được tích hợp công nghệ AI có thể thay họ đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau.
Trước đó, một số báo cáo cho thấy Microsoft bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu, doanh thu quảng cáo của hãng này giảm mạnh ở nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí và các dịch vụ trực tuyến. Microsoft đã hoạt động trong lĩnh vực tin tức hơn 25 năm, sau khi ra mắt MSN từ năm 1995. Những năm qua, công ty đã dần loại bỏ các mảng tự sản xuất nội dung để ưu tiên tổng hợp tin tức. Khi ra mắt dịch vụ Microsoft News cách đây hai năm, Microsoft tiết lộ họ có hơn 800 biên tập viên làm việc tại 50 địa điểm trên khắp thế giới. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, Microsoft chuyển sang ứng dụng AI đối với Microsoft News để tổng hợp tin tức, bài viết. Nhân viên tại Microsoft có trách nhiệm chọn các bài từ nhiều nguồn để đăng trên Microsoft News, MSN và trình duyệt Edge.
Hệ quả là khoảng 50 biên tập viên, nhà báo bị mất việc tại Mỹ. Tại các thị trường khác, hàng chục người cũng đã phải nghỉ việc sau khi Microsoft quyết định không dùng con người để chọn lọc các bài báo đăng trên trang chủ. Một nhân viên Microsoft ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi đã dành thời gian để đọc về cách tự động hóa và giờ đây AI sẽ đảm nhận tất cả các công việc của chúng tôi”.
Theo CNN, trong số các nhà báo hiện phải đối mặt sự sa thải, một số đã có kinh nghiệm lâu năm, trong khi những người khác phải chuyển sang tìm một công việc khác trong ngành công nghiệp truyền thông vốn đang liên tục có những đợt cắt giảm nhân lực. Dự kiến, các nhóm lĩnh vực khác trên toàn thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của Microsoft trong việc tự động hóa quản lý các trang web tin tức.

Giới chuyên gia nhận định rằng, công nghệ AI ngày càng được áp dụng vào các quy trình kinh doanh và cuộc sống của con người. Hiện nay, ngoài Microsoft còn có nhiều công ty, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang tích cực thử nghiệm AI trong lĩnh vực báo chí – truyền thông, mặc dù những nỗ lực tự động hóa viết báo chưa được áp dụng rộng rãi. Chẳng hạn, hãng tin AP (Mỹ) đã ứng dụng máy học (kỹ thuật cho phép các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể) để tự động hóa quy trình biến nội dung văn bản thành âm thanh, sử dụng phần mềm WordSmith biến các dữ liệu thành bài viết về lĩnh vực tài chính, dùng NewsWhip để theo dõi, cập nhật các xu hướng trên mạng xã hội. Tờ The New York Times tích hợp công nghệ AI để quản lý bình luận của độc giả, đẩy nhanh việc nghiên cứu và phân tích dữ liệu thông tin với khối lượng khổng lồ. Tờ The Washington Post dùng “phóng viên ảo” đưa tin về các sự kiện thể thao, tranh cử và ứng dụng Knowledge Map giúp tương tác nhanh chóng và hiệu quả với độc giả.
Theo kênh CNBC, trong ngành công nghệ tin tức, việc sử dụng AI đang thể hiện ưu thế vượt trội về tốc độ sản xuất tin, bài. Nếu phóng viên mảng kinh tế của hãng AP trung bình cứ ba tháng sản xuất gần 400 bài viết về thị trường chứng khoán thì khi áp dụng AI, số lượng bài viết gần gấp 10 lần, với khoảng 3.700 bài. Hơn thế, ứng dụng AI mang tên Tobi của Tập đoàn truyền thông Tamedia (Thụy Sĩ) sản xuất gần 40 nghìn tin về kết quả bầu cử ở nước này chỉ trong vòng… 5 phút. Công ty Alibaba của Trung Quốc sử dụng phần mềm Copywrite có khả năng viết 20 nghìn dòng quảng cáo/giây. Hãng thông tấn Xinhua giới thiệu người dẫn chương trình ảo đầu tiên trên thế giới, làm việc và đưa tin bất cứ thời gian nào. BBC cũng có các video dịch thuật tự động nhanh chóng…
Cuộc cạnh tranh khó tránh khỏi
Với những thành quả do công nghệ AI tạo ra, nhiều người dự báo đây sẽ là nhân tố cạnh tranh công nghệ với phóng viên, biên tập viên trong tương lai gần. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nic Newman thuộc Viện Nghiên cứu Báo chí ở Đại học Oxford (Anh), những tin tức do AI sản xuất chỉ dừng ở yếu tố đơn giản, lặp đi lặp lại, dựa trên cái có sẵn, được con người cài đặt và mặc định. Còn các sản phẩm báo chí như điều tra, tác nghiệp tại hiện trường hay những bài viết cần sự sáng tạo, tư duy có chiều sâu như các bình luận về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… thì AI không thể thực hiện được. Bởi AI không có những trải nghiệm về cảm xúc, lý trí cũng như trách nhiệm cộng đồng và đạo đức xã hội của một nhà báo truyền thống.
Nhà báo Paul Chadwick của The Guardian cho rằng, những phần mềm có khả năng tư duy đang ngày càng trở nên hữu ích, nhưng chưa chắc nó đã thu thập hoặc xử lý thông tin một cách có đạo đức. Đồng quan điểm trên, GS ngành kinh tế thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), ông Pinar Yildirim khẳng định, tin tức do AI tạo ra khó thay thế tin tức do con người viết, vì độc giả không muốn đọc những tin tức lặp đi lặp lại theo mẫu, mà có hứng thú tiếp cận với những thông tin mới và thú vị của báo chí truyền thống.
Về phần mình, GS Meredith Broussard của Viện Arthur L. Carter thuộc Đại học New York (Mỹ) nhận định, con người không thể phủ nhận thành công mà AI mang lại, nhưng quyết định thay thế con người bằng AI trong lĩnh vực thông tin không đẩy tới tính sáng tạo. AI giúp báo chí hoạt động hiệu quả nhưng không bao giờ có thể thay thế các biên tập viên, nhà báo. AI có thể hỗ trợ quá trình đưa tin nhưng nhà báo phải tập hợp các mảnh thông tin rời rạc lại để tạo thành một bài viết có giá trị. Tự động hóa các phần của quy trình đưa tin và xuất bản bằng AI là một biện pháp để giảm bớt công việc nặng nhọc của các nhà báo và tận dụng các nguồn dữ liệu mới.
Tự động hóa dữ liệu cũng giúp các nhà báo có nhiều thời gian hơn để phỏng vấn, phân tích và nghiên cứu thông tin. Dự báo khoảng một thập kỷ nữa, AI sẽ làm được nhiều việc trong tòa soạn như giúp các nhà báo lên lịch họp, phát hiện điểm khác thường trong dữ liệu và tìm kiếm những thông tin hữu ích trong hồ sơ, giúp tạo nội dung riêng cho từng độc giả.
Nguồn: Báo Nhân dân