Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khai mạc trước thềm Xuân Tân Sửu 2021 – đánh dấu một dấu son tiếp theo trong lịch sử Đảng ta, dân tộc ta. Đây cũng là dấu mốc 35 năm đổi mới đất nước, Đảng đưa đất nước vững vàng bước vào giai đoạn mới, tiếp tục thực hiện khát vọng của toàn dân xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đại hội XIII của Đảng đến nay (chiều 31/1/2021) đã hoàn thành nhiều nội dung cơ bản theo chương trình. Có thể nói Đại hội XIII đã thành công tốt đẹp. Thành công thứ nhất, với việc chuẩn bị kỹ lưỡng để các các dự thảo Văn kiện trình Đại hội có chất lượng cao, nhiều nội dung đánh giá sâu sắc, nhiều điểm mới, có kế thừa và phát triển. Thành công thứ hai, các tham luận trình bày tại Đại hội có chất lượng cao, nhiều tham luận đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết cống hiến, tư duy đổi mới, hiện đại. Thành công thứ ba là thành công về công tác nhân sự. Ngay sau khi công bố kết quả bầu 200 Ủy viên Trung ương (bao gồm cả 20 Ủy viên Trung ương dự khuyết), Hội nghị thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã được tiến hành và bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. Theo nhiều chuyên gia và cũng là dư luận đông đảo người dân quan tâm cho rằng, qua các kết quả và các danh sách trúng cử là những người lãnh đạo đất nước, những người sẽ được phân công lãnh đạo bộ ngành, địa phương tới đây, tâm trạng xã hội đa số người dân hết sức phấn khởi vì thấy những người có tâm, có tài, có đức đều có tên trong danh sách tái trúng cử, trúng cử. Đặc biệt những người dù tuổi cao vẫn được tín nhiệm bầu tái nhiệm như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Những người nhiệt huyết, xông xáo trong các lĩnh vực khó khăn, cấp bách, việc phòng chống dịch Covid-19 rất ấn tượng, gây xúc động cho đồng bào cả nước như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng tái trúng cử. Bên cạnh đó, nhiều gương mặt mới, trẻ cũng lần đầu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Nhìn lại lịch sử khởi đầu của công cuộc đổi mới, càng cho thấy sự sáng suốt, can trường của những người chèo lái con thuyền cách mạng. Vào đầu những năm 80 thế kỷ XX, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, người dân thiếu cái ăn cái mặc, kinh doanh sản xuất đình đốn, trì trệ. Trong Đảng và xã hội trăn đi trở lại làm gì và làm thế nào để thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu? Làm gì để thoát khỏi tình trạng một đất nước nông nghiệp xứ nhiệt đới, đất đai phì nhiêu mà người nông dân không hứng thú và cứ loay hoay trên đồng bãi? Như vậy, từ thực tiễn cho thấy phải bắt đầu từ việc thay đổi cung cách quản lý, thay đổi cơ chế, mô hình. Các mô hình “Khoán 100”, “Khoán 10” trong nông nghiệp ra đời và tạo ra những đột phá trong nông nghiệp, giải phóng sức sản xuất, coi trọng lợi ích người lao động. Trong công nghiệp có những quyết định táo bạo: cho phép lưu thông hàng hóa và thị trường tự do… Nhớ lại thời đó, từ ruộng đồng đến nhà máy, một luồng gió mới đã đem đến niềm lạc quan và nguồn sinh lực mới. Người nông dân, công nhân vui mừng khi năng suất lao động tăng gấp bội, dần dần đa số người dân đã có cơm no áo ấm, chấm dứt cảnh thiếu ăn thiếu mặc. Những chùm kết quả mùa đầu ấy gợi lên cách nhìn, sức nghĩ về một con đường lớn, toàn diện và sâu sắc hơn. Những trăn trở từ những người lãnh đạo cho đến người dân trên đồng ruộng, và từ thực tiễn để đi vào đường lối, chủ trương đổi mới được đánh dấu tại Đại hội VI của Đảng (12/1986), đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; từ đổi mới tư duy, nhận thức, tư tưởng đến đổi mới hoạt động thực tiễn, đổi mới tổ chức, cán bộ và phong cách lãnh đạo, làm việc, lao động.
Nhưng đổi mới không phải là một con đường thẳng tắp, phẳng phiu. Đổi mới không chỉ đối mặt sóng to gió cả ngay trong lòng xã hội, trong bản thân mỗi người, mà còn chịu tác động của xu thế thời đại. Hẳn ta còn nhớ, vào đầu những năm 90 thế kỷ XX, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu khiến thế giới lâm vào khủng hoảng chính trị. Nhưng với bản lĩnh kiên cường của một Đảng dạn dày kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, Đảng ta đã đứng vững, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, kiên định mục tiêu, con đường cách mạng đã lựa chọn, kiên tâm chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi tiếp con đường đổi mới đúng đắn.
Qua từng giai đoạn, tổng kết 10 năm, 20 năm, 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng đều có những đánh giá sâu sắc, thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học để tiếp tục hoàn thiện con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng kết 10 năm đầu đổi mới, Đại hội VIII của Đảng đã rút ra bài học: “Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị”; tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội X đánh giá và rút ra bài học: “đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp”. Nhìn lại tổng thể 30 năm đổi mới (1986 – 2016), Đại hội XII khẳng định: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Những con số biết nói có thể kể và minh họa cho chúng ta rõ hơn, cụ thể hơn. Những bước tăng trưởng kinh tế ngoạn mục: Năm 1989, GDP đạt 6,3 tỷ USD, đến năm 2020 quy mô nền kinh tế đã đạt 268,4 tỷ USD. Tính riêng trong khu vực ASEAN, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đã đứng thứ tư. Nước thịnh thì dân cường và dân giàu thì thế nước càng mạnh. Đời sống nhân dân cả nước đã được nâng cao hơn rất nhiều cả về vật chất và tinh thần. Một hình ảnh hiện hữu tại các địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, để thấy quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, bộ mặt nông thôn làng xóm thay đổi từng ngày xanh sạch đẹp, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp. Năm 1985, bình quân thu nhập đầu người ở mức rất thấp 159 USD, năm 2020 ước đạt 2.750 USD/người.

Bức tranh hiện thực sinh động đó đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai trái cố tình cho rằng chế độ một Đảng là mất dân chủ, rồi thì rằng kinh tế thị trường không thể gắn “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa!. Kẻ xuyên tạc bộc lộ rõ âm mưu phá hoại, tìm nhiều cách gây rối, dựng lên các bức tranh gán ghép, suy diễn. Nhưng sự thật thì vẫn là sự thật, sinh động và lừng lững. Bản thân nền kinh tế thị trường với cơ chế thị trường tự nó không thể quyết định bản chất và định hướng phát triển cho một chế độ chính trị. Nhưng điều chắc chắn rằng, chính bản chất của chế độ chính trị sẽ quyết định bản chất và ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng mô hình kinh tế thị trường xã hội (Đức, Thụy Điển, Phần Lan…) có những điểm chung nhưng với mô hình cụ thể mang đặc điểm đặc thù của mỗi nơi. Nền kinh tế thị trường ở các quốc gia chịu tác động của thế chế chính trị của mỗi quốc gia đó, hoặc vì lợi ích của nhóm tư bản kếch sù, hoặc lợi ích hài hòa cho người dân. Thực tiễn công cuộc đổi mới ở Việt Nam là một minh chứng cho việc giải quyết hài hòa lợi ích của quần chúng nhân dân, đồng thời chú trọng các mũi đột phá để tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tế ở các nước và nhất là ở Việt Nam càng chứng minh rõ ràng không có gì mâu thuẫn giữa thị trường và xã hội, mà đó là quy luật phát triển, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm 2021 mở đầu nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025 đã mở rộng cánh cửa. Nhìn lại một chặng đường, nhất là năm 2020 đầy gian khó, chúng ta có quyền tự hào rằng, Việt Nam, toàn Đảng và toàn dân đã có những cố gắng nỗ lực vượt bậc. Nước ta thuộc nhóm 10 nước có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm 2020 (2,91%), dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong cả thập niên 2011 – 2020; và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất, là điểm tươi sáng trong bức tranh ảm đạm 2020. Chưa bao giờ tình yêu Tổ quốc và niềm tin, niềm tự hào dân tộc được thể hiện rõ và tạo ảnh hưởng lạc quan rộng rãi trong nước và và được thế giới, bạn bè quốc tế ghi nhận một cách thuyết phục đến thế.
Có được kết quả trên là do chúng ta đã thực hiện tốt tổng thể các nhiệm vụ chính trị, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, kiên quyết tiến hành công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bồi đắp và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vun xới tinh thần lạc quan xã hội. Về kinh tế – xã hội, kiên quyết thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Tờ Nikkei Review 6/1/2021 (Nhật Bản) bình luận: Trong khi thế giới vật lộn với bùng phát các ca nhiễm Covid-19 mới, Việt Nam cùng với Đài Loan (Trung Quốc) và Singapo đã thành công trong hạn chế lây nhiễm cộng đồng. Những thành công, vinh quang còn đó, khó khăn vẫn còn nhiều, và luôn tiềm ẩn những cơ hội và thách thức trong tình hình mới. Dư địa đổi mới, sang tạo để hội nhập và phát triển còn rộng mở thênh thang trên con đường xây dựng đất nước thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cũng đã thể hiện tinh thần ấy, thể hiện rõ khát vọng của nhân dân về một đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trường tồn! Thiết nghĩ, với đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ mới và các tầng lớp doanh nghiệp, tổ chức, người dân cần vượt qua các rào cản, tiếp cận làm chủ và phát triển ứng dụng những công nghệ và phương pháp hiện đại trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, xã hội, đối ngoại…/.
Trà Việt