
Ngày 21 tháng 7 năm 356 trước Công nguyên, gã thanh niên Herostratos đã phóng hỏa Đền thờ thần Artemis ở Ephesus (nay nằm ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ) – ngôi đền bằng đá cẩm thạch, đẹp nhất trong số khoảng 30 ngôi đền của người Hy Lạp xây dựng để thờ phụng thần Artemis, nữ thần săn bắn; cũng là một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại.
Bị xét xử, không những không chối tội, gã thanh niên nhận ngay mình là thủ phạm và cho biết: làm thế vì hy vọng tên tuổi mình sẽ trở thành bất tử với lịch sử. Cũng chính vì vậy, Tòa đã không chỉ xử tử hình Herostratos mà còn biến hắn trở thành một người vô danh khi tuyên án. Tuy nhiên, cách làm này hóa ra càng khiến Herostratos đi vào lịch sử như kẻ đốt đền nổi tiếng nhất thời cổ đại.
Ở Việt Nam, vở kịch “Vụ án người đốt đền” từng được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng thành công với sự thăng hoa của nghệ sĩ nhân dân Đoàn Dũng trong vai Herostratos.
Những tưởng sự sỉ nhục của nhân loại dành cho kẻ ngông cuồng Herostratos sẽ là bài học cho tất cả. Vậy mà không. Vừa qua, Nguyễn Gia Kiểng – một trong những người thành lập cái gọi là tổ chức chính trị mang tên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cũng là người tỏ ra là “nhà lý luận chính trị” phụng sự cuộc đấu tranh cho “tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam” (?), cũng đã làm một vụ “đốt đền”.
Vụ “đốt đền” này không bằng phóng lửa, mà bằng… phóng bút.
Trong bài viết đăng trang Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ngày 30/9 , Nguyễn Gia Kiểng mở lời chê bai nhiều tác phẩm văn học dân tộc, như “Cung Oán Ngâm Khúc”, “Chinh Phụ Ngâm”. Ông Kiểng không ngần ngại, chê luôn “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, cho rằng, tác phẩm này là vay mượn; rằng: “… Nguyễn Du không có cảm hứng và tư tưởng của chính mình mà chỉ hòa nhịp theo cảm hứng của một tác giả tầm thường của Trung Quốc và đi theo mạch tư tưởng rất tầm thường của người này. Nguyễn Du là khuôn mặt văn học lớn nhất và cao nhất của nước ta cho tới ngày nay, cho nên những thiếu sót của ông càng đáng tủi hổ cho chúng ta hơn là nơi những tác giả khác”.
Ra vẻ một người trăn trở với nền văn hóa của dân tộc, Nguyễn Gia Kiểng mỉa mai, cảm thán nguyên nhân sự kém cỏi là: “Cảm hứng vụn vặt, đam mê chốc lát – di sản của một nền văn hóa nhàn dư – đã chỉ đẻ ra những tác phẩm nhỏ, hoặc họa hiếm lắm là trung bình như trường hợp truyện Kiều”.
Tới mức này thì quả là Nguyễn Gia Kiểng táo tợn và to gan. Là bởi, “Truyện Kiều” là kiệt tác văn học. Dù được viết trên cơ sở “tích Tàu”, nhưng tài năng, cảm quan hiện thực, tinh thần nhân đạo, tình yêu vô hạn với tiếng Việt…của Nguyễn Du đã khiến văn học dân tộc có được một kiệt tác; kiệt tác này không chỉ cho người Việt Nam, mà còn cho cả nhân loại.
Sự khẳng định này không chỉ ở người Việt Nam, không chỉ do Việt Nam tự tôn, mà được thế giới khẳng định và thừa nhận.
Năm 1965, Hội đồng hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du.
Năm 2013, UNESCO chính thức ban hành quyết định vinh danh một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt tới thế giới và khu vực trong 2 năm 2014 và 2015, trong đó có Nguyễn Du – tác giả Truyện Kiều. Nên nhớ rằng, các nhân vật được vinh danh dịp đó phải đáp ứng các tiêu chí cực kỳ chặt chẽ. Ở tiêu chí về tầm ảnh hưởng với thế giới và khu vực, riêng việc Truyện Kiều được dịch ra hơn 20 thứ tiếng (tới nay, đã dịch hơn 30 thứ tiếng với khoảng 50 bản dịch khác nhau), được các học giả Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia nghiên cứu rất kỹ, đủ khẳng định tầm ảnh hưởng của tác phẩm này. Bà Katherine Muller Marin, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, khẳng định rằng: “Truyện Kiều của Nguyễn Du có 5 giá trị phổ quát mang tính toàn cầu: đó là giá trị khát vọng hòa bình, giá trị nhân văn cao cả, giá trị về truyền thống gia đình, giá trị về truyền thống văn hóa và giá trị về bình đẳng giới”.
Nhiều người còn nhớ, tháng 11 năm 2000, thăm Việt Nam, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bắt đầu một buổi nói chuyện ở Hà Nội bằng hai câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân” để khẳng định bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù. Cũng tinh thần đó, trong buổi tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tối 7/7/2015 tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khiến mọi người bất ngờ và sửng sốt, khi đọc câu “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” để nói rằng quan hệ Việt – Mỹ đã sang trang mới.
Vậy là, ngoài giá trị văn chương, Truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du đã lan tỏa, thành một công cụ ngoại giao, được các chính khách bậc nhất thế giới khai thác, nghiên cứu, sử dụng để truyền tải thông điệp một cách thâm thúy, sâu sắc, hết sức tinh tế.
Tháng 5/2016, khi kết thúc bài phát biểu của mình trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã thật tài tình khi trích dẫn hai câu Kiều để nhấn mạnh về niềm tin chiến lược hai nước dành cho nhau: “Rằng: trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Phóng bút để…đâm, hạ bệ một kiệt tác văn chương của dân tộc và nhân loại như Truyện Kiều, Nguyễn Gia Kiểng âm mưu trở thành một Herostratos thời hiện đại chẳng?
Hà Phương Vũ