
Thông điệp HÒA BÌNH của Việt Nam
Đỗ Nam Trung
“Hòa bình” chính là thông điệp quan trọng nhất trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc ngày 21-9-2020.
Trong bài phát biểu dài khoảng một trang A4, Thủ tướng Việt Nam đã 4 lần nhắc tới từ “hòa bình”, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của LHQ trong việc duy trì và gìn giữ hòa bình cũng như thể hiện nguyện vọng, quyết tâm của nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân các nước phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Ra đời năm 1945 sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, LHQ đặt mục tiêu quan trọng nhất của mình là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Điều này đã được ghi rõ ngay trong phần mở đầu của Hiến chương LHQ “Mong muốn cùng chung sống hoà bình trên tinh thần láng giềng thân thiện, cùng chung nhau góp sức để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế”.
Hòa bình là điều mong muốn trước tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, trong bối cảnh thực dân Pháp lại quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa, nhà nước Việt Nam non trẻ đã tận dụng mọi khả năng có thể để cứu vãn hòa bình. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của lãnh đạo Việt Nam đã không vượt qua được dã tâm xâm lược của thực dân Pháp.
Khi Chính phủ Pháp muốn tìm đến giải pháp thương lượng để rút ra khỏi cuộc chiến tranh sau 8 năm sa lầy ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thiện chí sẵn sàng đàm phán: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra… nhưng nếu Chính phủ Pháp muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp nhận ý muốn đó”. Sau này, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, quan điểm hòa bình Hồ Chí Minh cũng thể hiện rõ trong câu nói: “Sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút lui”.
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã công bố chính sách bốn điểm trong quan hệ với các nước Đông Nam Á, trong đó khẳng định: “Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình…”.
Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nên hơn ai hết người dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình. Duy trì hòa bình, ổn định chính trị – xã hội là điều kiện tiên quyết để Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như ngày hôm nay.
Sau khi trở thành thành viên của LHQ, Việt Nam luôn chủ động tham gia đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình trên thế giới. Trong bài phát biểu chúc mừng 75 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2020), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh “Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Lực lượng quân đội Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ. Với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững”.
Trong vấn đề Biển Đông, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam có nhiều biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông: đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thế giới hiện nay đang đứng trước những thách thức to lớn. Đại dịch Covid cùng với những bất ổn, xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền, biến đổi khí hậu… đang đe dọa nền hòa bình và phát triển bền vững của các dân tộc. Tôn trọng và tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và đối thoại tìm giải pháp cho các nguy cơ mới nảy sinh là con đường tốt nhất để gìn giữ và duy trì nền hòa bình bền vững, thịnh vượng cho nhân loại. Điều này phù hợp với nguyện vọng hòa bình, độc lập, phát triển và tiến bộ xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam./.