
“Thù địch nằm ngay trong lòng chế độ” là bài viết của Phạm Trần đăng trên Danlambao ngày 15/10/2020. Đọc bài viết này, cảm thấy cần nhắc lại với Phạm Trần rằng:
Một là, đối với bất cứ một quốc gia nào, một chính đảng nào chứ không chỉ riêng Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng, thì sự tha hóa quyền lực; tham nhũng và sự suy thoái của những người đảm nhiệm các vị trí tại các cơ quan công quyền cũng là nguy cơ, là những vấn nạn cần phải phòng và chống triệt để. Cho nên, các loại “kẻ thù” này không chỉ “là dòng chảy liên tục, kế thừa giữa các thế hệ cán bộ, đảng viên trong 34 năm qua, kể từ Đại hội đảng “Đổi mới” năm 1986” ở Việt Nam như Phạm Trần nói mà cũng là trăn trở của bất kỳ chính đảng cầm quyền nào, ở quốc gia nào.
Đương nhiên, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc; cán bộ, đảng viên là những người đã trải qua thử thách, rèn luyện để được đứng thề dưới cờ Đảng sẽ luôn luôn và thường xuyên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Vì vừa là người lãnh đạo lại vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, nên mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực học tập, trau dồi về mọi mặt để kiên định lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức… và đủ tri thức, trình độ chuyên môn, khả năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng nghiệp vụ… để hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mọi mặt công tác và ứng xử đời thường, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần 23 điều răn về “Tư cách một người cách mệnh” được chỉ rõ trong tác phẩm Đường Cách mệnh, xuất bản năm 1927. Những yêu cầu về phẩm chất đạo đức cách mạng đó phải được thường xuyên, liên tục rèn luyện, để mỗi người luôn sẵn sàng tận tâm, tận lực phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân; luôn phòng ngừa với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thật ra 3 kẻ thù mà Phạm Trần nêu ra trong bài viết “tha hóa quyền lực; Tham nhũng và một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ rất sớm, đã được chủ động phòng và chống, song nó được nhận diện rõ hơn trong 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã nêu.
Nói thế để Phạm Trần thấy, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề; đã nỗ lực thực hiện phòng và chống các biểu hiện suy thoái này. Song dưới tác động của kinh tế thị trường, đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; nhất là, các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình và công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều nơi bị buông lỏng; việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ… đã tạo cơ sở cho 3 “kẻ thù” này xuất hiện và hoành hành.
Vấn nạn này đã được chỉ ra và có điều cần phải khẳng định lại để Phạm Trần hiểu là: Những vấn nạn này luôn được những người như Phạm Trần cổ súy; luôn được các thế lực cơ hội, phản động, thù địch với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng Cộng sản Việt Nam ủng hộ, lợi dụng dưới nhiều hình thức, nhiều chiêu bài để phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đúng như đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh.
Đặc biệt, trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những vấn đề được “quan tâm”, được “ưu tiên chống phá nhất” chính là công tác cán bộ của Đảng. Thời gian này, bên cạnh việc khơi ra, khoét sâu vào các biểu hiện suy thoái nêu trên của những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, các thế lực thù địch trong và ngoài Việt Nam đã cấu kết với nhau, sử dụng Internet, diễn đàn Quốc tế, mạng xã hội, các nhà báo độc lập; đã lợi dụng những khó khăn, yếu kém, sự tha hóa của một số cán bộ, đảng viên trong cơ chế mới, tìm mọi cách khoét sâu thêm mâu thuẫn, hòng làm suy yếu Đảng, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, chia rẽ nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây không phải là Tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam “đỗ lỗi” cho các thế lực thù địch như Phạm Trần viết, mà âm mưu “dienx biến hòa bình” đó là sự thật. Do đó, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần nâng cao cảnh giác với dã tâm và âm mưu làm tha hóa cán bộ; chia rẽ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng; mối đoàn kết và liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; cảnh giác với âm mưu khoét sâu những biểu hiện suy thoái của bộ phận cán bộ, đảng viên để từ đó quy kết bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận vai trò tiền phong, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam của Phạm Trần và những người như Phạm Trần.
Hai là, tham nhũng vốn không còn xa lạ, bởi không phải bây giờ và chỉ ở Việt Nam mới có tham nhũng. Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tham nhũng xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, hành chính, tư pháp, công tác cán bộ…
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Vì vậy, Đảng đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết… để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Công tác đấu tranh chống tham nhũng được xác định “là nhiệm vụ lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng, không nóng vội, không chủ quan; phải có kế hoạch cụ thể, có bước đi vững chắc; sử dụng nhiều biện pháp, trong đó lấy giáo dục làm cơ sở, lấy pháp chế làm đảm bảo”…
Từ Đại hội X của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định “là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” và việc thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương và địa phương đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả đã được triển khai trong thực tiễn.
Đặc biệt hai nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, việc nhận diện, chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được tiến hành nghiêm túc. Việc đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội, trong đó có cả cán bộ cao cấp… đã từng bước được ngăn chặn. Việc đẩy mạnh đấu tranh phòng và chống tham ô, tham nhũng… đã mang lại những kết quả tích cực.
Những con số “biết nói” về kết quả phòng và chống tham nhũng ở Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (2016) của Đảng đến 6 tháng đầu năm 2020 được đăng tải trên các cơ quan truyền thông đã tiếp tục góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được Đảng và nhân dân tin tưởng.
Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì công tác Phòng, chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp… đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải xử lý có hiệu quả. Song với quyết tâm của Đảng và cả hệ thống chính trị thì “kết quả thực tế đã khẳng định rõ, công tác phòng, chống tham nhũng không “chững lại”, “chùng xuống” mà tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, bài bản, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, hiệu quả hơn, với những kết quả nổi bật”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nhấn mạnh tại phiên thứ 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25/5/2020.
Phạm Trần đã cố tình xuyên tạc sự thật, phủ nhận những kết quả trong đấu tranh phòng và chống tham nhũng của nhiệm kỳ Đại hội XII và bôi nhọ uy tín của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bằng những trích dẫn quy chụp trong bài viết của mình.
Tuy nhiên, đấu tranh chống tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài, không phải ngày một ngày hai, nên Phạm Trần không thể vì những hạn chế, những khuyết điểm đang tồn tại mà phủ nhận thành tựu của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam nói riêng.
Nhận thức đúng thực trạng công tác đấu tranh phòng và chống tham nhũng, những vấn đề còn đang tồn tại để có giải pháp hữu hiệu làm cho công tác này đạt hiệu quả cao hơn mới đáng trân trọng, chứ “bới bèo ra bọ”, quy chụp, bôi nhọ và phủ nhận những kết quả đã đạt được trong đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị ở Việt Nam thời gian qua như Phạm Trần viết thì chỉ là sự tiếp tay, cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; phủ nhận vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế, chủ trương “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật” để kiểm soát nạn tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên và nạn tham nhũng đã phát huy hiệu quả, góp phần ngăn chặn sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời, cho thấy những gì Phạm Trần suy nghĩ, “cào lên bàn phím” là không đúng sự thật, không đáng tin!
Trần Phụng Hoàng Nhi