
Tự do ngôn luận không có nghĩa là ngôn luận tự do
Tổ chức “Ân xá Quốc tế/Amnesty International” đầu tháng 12/2020 công bố tài liệu kêu ca Facebook và Google đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam “kiểm duyệt những lời chỉ trích và trấn áp tiếng nói của giới bất đồng chính kiến”. Tài liệu này gồm cả nội dung thu thập hàng chục phát biểu trả lời phỏng vấn của các “nhà hoạt động nhân quyền” cho rằng nội dung của họ được đăng trên Facebook và YouTube ngày càng bị chặn ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam khẳng định và cho thấy quyền tự do ngôn luận của công dân nước này được Hiến pháp và các bộ luật khác bảo đảm. Nhưng cũng cần hiểu rằng, chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hay bất kỳ chính quyền quốc gia nào do đảng nào lãnh đạo đều không thể chấp nhận quan điểm “tự do ngôn luận đồng nghĩa với ngôn luận tự do”, tự do ngôn luận không có nghĩa là “bạ đâu nói đấy”.
Ở Việt Nam, thông tin xấu độc trái với thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa truyền thống đương nhiên không được chấp nhận trong cộng đồng Việt Nam và phải được điều chỉnh bởi luật pháp vì sự tiến bộ, phát triển.
Thông tin sai sự thật, sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại sự ổn định chính trị xã hội đương nhiên bị pháp luật Việt Nam điều chỉnh. Điều này không chỉ riêng có ở Việt Nam mà hầu khắp thế giới các quốc gia có chủ quyền đều phải ngăn chặn, xử lý thông tin xuyên tạc chống phá chính quyền, bất kể Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mã Lai hay nước nào.
Lợi nhuận thị trường và trách nhiệm hợp tác
Facebook được hưởng một nguồn lợi không nhỏ từ một thị trường rộng lớn với hơn 60 triệu người dùng tại Việt Nam và đây là một không gian trên mạng của người Việt Nam để kinh doanh và tương tác, giao tiếp điện tử, nhưng cũng như là nơi các nhà hoạt động “dân chủ” lợi dụng thể hiện “chính kiến”, phát tán thông tin nhiều khi bịa đặt có khi là xuyên tạc đan xen sự thật để thể hiện quan điểm trái ngược hoặc thông tin thêu dệt hòng gây nhiễu loạn thông tin. Mỗi năm doanh thu của Facebook từ Việt Nam khoảng 1 tỷ đôla (chiếm một phần ba doanh thu Đông Nam Á); Google cũng kiếm được khoảng 475 triệu đôla trong cùng thời gian, chủ yếu từ quảng cáo trên YouTube. Tất nhiên là cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam quản lý, giám sát và buộc Facebook hay Google chấp hành luật chơi khi đã được hưởng rất nhiều lợi ích từ thị trường hàng chục triệu người dùng. Điều rõ ràng là Chính phủ Việt Nam có thể đóng cửa Facebook hay bất kỳ đối tác nào nếu công ty này tiếp tay cho các thông tin sai lệch, tin giả chống phá Việt Nam.
Thực tế, so với nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam rất mạnh dạn mở cửa trên lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ cấm các công ty truyền thông xã hội, nhưng cần hiểu rằng một quốc gia có chủ quyền không chỉ tạo điều kiện cho các đối tác, mà ngược lại các đối tác như Facebook và Google hay bất kỳ doanh nghiệp quốc tế nào đều phải tôn trọng luật pháp quốc gia và văn hóa dân tộc sở tại. Việt Nam họ phải và cần sử dụng quyền lực nhà nước với quy định luật pháp rõ ràng để bảo đảm không bị các công ty truyền thông quốc tế lợi dụng gây tổn hại lợi ích dân tộc, quốc gia và người dân của họ.
Facebook và Google cần hợp tác chân thực hơn
Facebook có báo cáo minh bạch (Transparency Report) nói trong 6 tháng đầu 2020, công ty này đã ngăn tiếp cận 834 nội dung vi phạm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, bao gồm nội dung chống Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam; Thông tin sai lệch về COVID-19; khuyến khích cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp; buôn bán và quảng cáo bất hợp pháp; gian lận hoặc mạo danh. Tuy vậy, các nội dung đó vẫn hiển thị cho người đọc bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, rõ ràng FB đã lách luật để vừa chấp thuận chấp hành luật pháp Việt Nam nhưng lại thỏa mãn các cá nhân, tổ chức bên ngoài chống phá Việt Nam, như vậy là sự chấp thuận yêu cầu hạ chặn những nội dung vi phạm pháp luật của Việt Nam chỉ mang tính chất đối phó mà thiếu sự chân thực hợp tác minh bạch triệt để.
Thiết nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam cần có biện pháp kiên quyết hơn nữa để yêu cầu FB, GG tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam vì lợi ích chính đáng của các bên, bảo đảm chủ quyền quốc gia VN trên không gian mạng và quyền được bảo vệ của người dung Việt Nam trong môi trường thông tin lành mạnh, an toàn.
Bản chất tài liệu của Tổ chức “Ân xá quốc tế”
Trong tài liệu của tổ chức “Ân xá quốc tế” còn cáo buộc các gã khổng lồ công nghệ đã “đồng lõa sâu rộng” với chính phủ Việt Nam, bằng cách chặn nội dung được nhà chức trách chỉ rõ là chỉ trích chính quyền sai trái, bịa đặt, xuyên tạc. Báo cáo dài hàng chục trang của “Ân xá quốc tế” dựa trên các cuộc phỏng vấn với các “nhà hoạt động nhân quyền”, gồm các “cựu tù nhân”, “luật sư” và “nhà văn” tự xưng hoặc hoạt động chống đối pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều “già mồm” cáo buộc rằng tin bài của họ được đăng trên Facebook và YouTube (Google) ngày càng bị chặn ở Việt Nam (như “nhà báo tự do” Trương Châu Hữu Danh phát tán thông tin xuyên tạc trên Facebook về một vụ việc đang điều tra, sau đó được thông báo rằng các bài của “nhà báo” này không được hoan nghênh ở Việt Nam) do vi phạm pháp luật.
Thực tế văn hóa dân gian Việt Nam rất ghét những kẻ phá bĩnh và có tính xấu hay nói xấu người khác. Cùng với pháp luật Việt Nam sẽ ngày càng chặt chẽ, tất yếu những kẻ tung tin sai sự thật và chống phá đất nước không có chỗ đứng trong cộng đồng và sẽ bị xử lý không trước thì sau…/.
Trần Công Nghệ