Được sinh ra lớn lên từ môi trường nông thôn Việt Nam, tôi hiểu sự vất vả một nắng hai sương, sự chịu thương chịu khó của người dân quê. Tôi đã chứng kiến những đổi thay lịch sử về quyền lợi của người dân rất rõ ràng, người dân quê tôi từ địa vị người bị áp bức, phụ thuộc, đói khổ quanh năm trở thành người có quyền làm chủ, bình đẳng, tự do làm ăn được pháp luật bảo vệ. Những người dân như chúng tôi hiểu và biết ơn đó là kết quả của quá trình đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ mà người tìm đường, khởi xướng, cống hiến cả cuộc đời mình để hiện thực hóa mục tiêu độc lập tự cường cho dân tộc và tự do hạnh phúc cho nhân dân chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vì vậy khi đọc được đâu đó trên mạng xã hội giọng điệu bôi nhọ nói xấu thần tượng, tấm gương của mình tôi rất bất bình. Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác Hồ, xin góp vài dòng về vị lãnh tụ mà tôi yêu kính, góp thêm tiếng nói bác bỏ những luận điệu bịa đặt, xấu độc với âm mưu đen tối của những kẻ đen tối, để làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh có phải là tư biện, giáo điều, lý thuyết suông?
Di sản mà Hồ Chí Minh để lại thực sự vô giá đối với Nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam trong những chặng đường cách mạng. Đó là hệ giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn có sức sống tươi mới bền vững bởi nó được đúc kết và minh chứng từ thực tiễn lịch sử sống động và luôn có giá trị thời đại.
1. Nói về di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng CSVN định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh đã tương đối đầy đủ. Có thể hiểu một cách ngắn gọn tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản văn hóa tinh thần soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam, trong đó có kết tụ tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, tinh thần giá trị cốt lõi chủ của nghĩa Mác – Lênin.
Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, con người Hồ Chí Minh từ nhỏ đã thương người dân chăm chỉ mà phải chịu áp bức, cực khổ, từ đó Người có ý chí tìm con đường giúp người dân có cuộc sống bình đẳng, bác ái, có điều kiện mưu cầu hạnh phúc. Ý chí và những quan điểm mục tiêu này khi kết hợp với luận điểm luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng cuộc sống no ấm hạnh phúc XHCN. Tuyên ngôn độc lập do Người đọc ngày 2/9/1945 đã nêu rõ mục tiêu con đường cách mạng đó. Mà mục tiêu hàng đầu là độc lập dân tộc, bởi đây là điều kiện tiên quyết để giải phóng giai cấp, con người. Tiếp theo là xây dựng cuộc sống mới, đó là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Xã hội xã hội chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh, giản dị dễ hiểu thôi là làm cho mọi người dân đều có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời tự do, có điều kiện phát triển năng lực và theo đuổi hạnh phúc, bỏi “nước độc lập mà dân không hưởng tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa lý gì”.
Để tổ chức cách mạng, phải xây dựng lực lượng cách mạng. Tư tưởng xuyên suốt của Người trong xây dựng các tổ chức lực lượng thực hành đường lối cách mạng, đó là: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Nước lấy dân làm gốc, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; mọi việc đều do dân và vì dân; nhân dân là lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng. Và điều quan trọng là lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn thước đo, lấy sự hợp lòng dân, phù hợp với hoàn cảnh thực tế để kiểm nghiệm đường lối lãnh đạo.
Hệ giá trị đó của tư tưởng Hồ Chí Minh được minh chứng rõ nhất trong thực tiễn lịch sử cách mạngViệt Nam. Bằng chứng là Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thắng lợi của 02 cuộc kháng chiến chống Pháp 1954 và Mỹ 1975, chiến thắng quân Tàu trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989)… Trong công cuộc đổi mới toàn diện từ 1986 đến nay, Đảng CSVN đã xác định trúng và trở lại vận dụng đúng đắn quan điểm Hồ Chí Minh, cách mạng là sáng tạo, là đổi mới; giáo điều, rập khuôn, máy móc là thất bại. Điều đó đưa đến thành tựu hơn 30 năm đổi mới với nhiều con số thuyết phục (xếp hạng cao thế giới về xuất khẩu gạo, điều, tiêu; có thương hiệu xuất khẩu may mặc và nhiều sản phẩm khác; chỉ số xuất nhập khẩu và vị thế trên các diễn đàn quốc tế ngày càng tăng; thu nhập đầu người ở ngưỡng trung bình thấp; xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin…), và gần đây nhất là những thành công trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 cũng như công tác bảo hộ, đón công dân Việt Nam gặp khó khăn ở nước ngoài về nước.
2. Di sản hệ giá trị đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở nên vô giá và sống động. Cả cuộc đời Người đã nêu một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và phong cách nói đi đôi với làm, tận tụy, sâu sát, sáng suốt, phong cách của một người lãnh đạo thương dân, dân chủ, khoa học, cách mạng.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, thành phần bất mãn không ngừng âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, những kẻ tự xưng là “nhà dân chủ”, người “bất đồng chính kiến” âm mưu hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, chống phá nền tảng tư tưởng lý luận cách mạng của Đảng CSVN, lợi dụng Internet, mạng xã hội để phát tán luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, xuyên tạc và phủ nhận những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng “Hồ Chí Minh du nhập những tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều”, là sự sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác – Lênin, không phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi thế, cần từ bỏ nó để “kịp đi với con đường chung mà thế giới hiện nay đang đi” là con đường tư bản chủ nghĩa!.
Những kẻ âm mưu “diễn biến hòa bình” đó sẽ không bao giờ thực hiện được âm mưu bôi nhọ thần tượng Hồ Chí Minh. Bởi họ đã không thể hiểu được tâm hồn con người Việt Nam, sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam, luôn có dấu ấn văn hóa Hồ Chí Minh. Hình ảnh Hồ Chí Minh trong các tư liệu luôn sống động, gần gũi, thân thương, giản dị mà vĩ đại, toát ra thứ ánh sáng văn hóa bác ái thấm đẫm tình đồng bào. Khắp không gian trời đất Việt Nam luôn có dấu chân di sản văn hóa tinh thần – tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh !
3. Dân chúng tôi đã lên tiếng mạnh mẽ. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là thường xuyên đấu tranh phê phán bác bỏ những luận điệu bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch với Đảng, chế độ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nên người cán bộ, đảng viên trước hết cần hiểu và có niềm tin sâu sắc bản chất chủ nghĩa Mác-Lênin, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thường xuyên vận dụng trong đời sống và phong cách công tác hàng ngày. Trong bối cảnh chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, thiết nghĩ các tổ chức trong hệ thống chính trị của Việt Nam đã biết rõ họ cần phải làm gì để bảo đảm sẽ bầu chọn được những người tâm huyết, trách nhiệm với dân với nước làm lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp chủ chốt. Tình hình ngày càng đòi hỏi các cấp ủy, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để kịp thời ngăn chặn những diễn biến xấu về tư tưởng, chính trị, phòng và chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để bảo vệ đoàn kết nội bộ. Đồng thời kiên quyết phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch bôi nhọ, nói xấu, phá hoại.
Thiết nhiên, việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới rất cần các cấp lãnh đạo và ngành chức năng quan tâm những giải pháp lâu dài. Chú ý đưa công tác này vào trong hệ thống giáo dục với việc đổi mới mạnh hơn nữa cách thức dạy và học. Trong các trường học cần đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, tăng tính hấp dẫn của các môn lý luận, tư tưởng, có những cách làm mới làm cho giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Phát huy thế mạnh báo chí, truyền thông, mạng xã hội, nâng cao hình thức hiện đại, sự chủ động sắc bén phê phán quan điểm sai trái, phản động về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh…/.
Minh Hiên