36 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Năm 30, 2023
spot_img

Vì sao cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 thắng lợi?

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), HSV lược trích bài viết của TS. Trần Hữu Huy, Hội viên Hội khoa học lịch sử Việt Nam về vai trò chỉ đạo chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 để rộng đường hiểu rõ vì sao cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 thắng lợi.

1. Quyết định chiến lược kịp thời, chính xác

Vào giữa năm 1974, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, phân tích tình hình và rút ra những nhận định rất quan trọng: Về tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, cách mạng đang ở thế thắng, thế chủ động và tiến lên; trái lại địch chịu nhiều thất bại liên tiếp nên đang ở thế thua, thế bị động và xuống dốc. Mỹ đã rút ra, đang gặp nhiều khó khăn, nên không có khả năng quay trở lại (can thiệp trực tiếp bằng quân sự). Họ khẳng định: Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân VN giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn, thống nhất đất nước. Đây là thời cơ hai mươi năm có một.

Đảng Lao động VN khi đó đã đánh giá tình hình kỹ lưỡng, sâu sắc, xây dựng kế hoạch đầy đủ bài bản để đi đến chiến lược chiến dịch có cơ sở khoa học, bảo đảm chắc thắng. Họ đi sâu phân tích, làm rõ thêm so sánh lực lượng giữa ta và địch; đánh giá khả năng can thiệp quân sự của Mỹ; trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của chủ lực ta; về khả năng giành thắng lợi nhanh gọn, triệt để… Quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam lần này có ý nghĩa lịch sử to lớn, vừa quyết định đến toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, nhưng đồng thời mang tính chất thời đại sâu sắc.

Với cơ sở thực tiễn mới nhất, nhất là chiến thắng Phước Long lúc bấy giờ (thắng lợi vang dội trong chiến dịch Đường 14 – Phước Long 13/12/1974-6/1/1975), cho thấy thời cơ chiến lược đang phát triển nhanh chóng đến độ chín muồi. Bộ Chính trị Đảng LĐVN hạ quyết tâm chiến lược “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian hai năm 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta; tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích tổng khởi nghĩa tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam”.

Về thời gian, những con người lãnh đạo cách mạng Việt Nam năm ấy đã nhận định, nếu thời cơ đến sớm hơn, vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975, tranh thủ đánh thắng nhanh để giảm bớt sự thiệt hại về người và của, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Họ thông qua kế hoạch tác chiến chiến lược do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo, thống nhất chọn Nam Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, với mục tiêu chính là thị xã Buôn Ma Thuột.

Đây là quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam. Quyết định chiến lược này là kết quả của sự chuẩn bị với tầm nhìn chiến lược, sáng tạo, công phu kiên trì, bền bỉ trên tất cả các mặt (chính trị, quân sự, ngoại giao, tiềm lực hậu phương và tiền tuyến, thế trận và lòng người…) trong thời gian dài, nó cũng cho thấy trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam trong “cuộc đụng đầu lịch sử” với đế quốc Mỹ xâm lược lúc bấy giờ và lực lượng tay sai.

2. Chỉ đạo tổ chức kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo

Những con người lãnh đạo cao nhất của Đảng LĐVN lúc đó đã rất khẩn trương mà không kém phần thận trọng, chắc tay tổ chức thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược tổng tiến công đã đề ra.

Từ ngày 4/3/1975, quân dân kết hợp bất ngờ mở chiến dịch tiến công Tây Nguyên, đánh chiếm mục tiêu chủ yếu (Buôn Ma Thuột) làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường miền Nam. Ngày 3/4/1975, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành tổng tiến công trên toàn miền Nam. Chớp thời cơ chiến lược đến nhanh hết sức thuận lợi, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp bàn, bổ sung vào quyết tâm chiến lược phương án tranh thủ thời cơ, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.

Kế hoạch một năm tiếp tục được rút xuống còn 5 tháng với quyết tâm mở chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quyết định với quy mô lớn nhất – Chiến dịch tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn. Theo đó, bộ lãnh đạo nhận định trước hết phải dứt điểm giải phóng Thừa Thiên – Huế, đồng thời tiến công Đà Nẵng kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng.

Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã họp bàn khẳng định: “Cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”, từ đó đề ra chủ trương tập trung nhanh nhất binh lực, vật lực giải phóng miền Nam trước mùa mưa, trước giữa tháng 5/1975. Và thực tế đã minh chứng hành động mạnh mẽ của họ hết sức chuẩn xác.

Sau giải phóng Huế (26/3/1975), Đà Nẵng (29/3/1975) cùng các tỉnh ven biển miền Trung, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Đảng LĐVN đã ra quyết định lịch sử: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng tư năm nay, không để chậm”. Họ cũng đề ra phương châm chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, và tháng 4/1975, cái tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn chính thức được gọi là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Như vậy, từ việc nắm chắc tình hình, với bàn đạp là những thắng lợi đã giành được, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, ngày 22/4/1975, những con người lãnh đạo cao nhất của cách mạng giải phóng Việt Nam đã phát lệnh: “Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị”. Chiến dịch Hồ Chí Minh được bắt đầu từ ngày 26/4/1975, được chỉ đạo và tổ chức thần tốc, tất cả các cánh quân của quân giải phóng lần lượt đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài, đồng thời hình thành các mũi thọc sâu đánh chiếm 5 mục tiêu trọng yếu trong nội đô Sài Gòn…

Trưa ngày 30/4/1975 đã trở thành thời điểm lịch sử đáng nhớ nhất khi Quân giải phóng tiến vào Dinh độc lập, bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Với gần hai tháng tổng tiến công và nổi dậy, quân dân giải phóng Việt Nam đã giành thắng lợi trọn vẹn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chiến công đó thực sự hiển hách và khiến thế giới kinh ngạc và ngợi ca./.

Khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng (TTXVN)
Các chiến sĩ Quân đoàn 2 – Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Vũ Tạo – TTXVN

Nguồn: TTXVN

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất