32 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Năm 30, 2023
spot_img

Vì sao Việt Nam điểm sáng

Truyền thông quốc tế đã nhắc tới Việt Nam rất nhiều trong suốt năm 2020 và cả khi bước vào đầu 2021, suốt thời gian mà Việt Nam tiếp tục đối mặt với đợt dịch bùng phát lần thứ ba kể từ đầu mùa dịch Covid-19. Trong khi nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra mà Việt Nam đã nổi lên như một một hình mẫu về chống dịch, ổn định kinh tế và đoàn kết thế giới. Điều đặc biệt, giữa bối cảnh đó sự kiện chính trị trọng đại nhất – Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được tổ chức thành công tốt đẹp, cùng với việc phản ứng nhanh ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh, đến nay đã kiểm soát tốc độ lây lan của dịch Covid-19.

Sự thật hiển nhiên đó khiến người ta đặt câu hỏi vì sao Việt Nam điểm sáng khi mà thế giới chật vật, lúng túng và đình trệ trước đại dịch?

Thành quả chống Covid-19 đáng khâm phục

Cả giới truyền thông và chuyên gia y tế quốc tế đều thể hiện sự khâm phục cả về cách thức chỉ đạo chiến dịch truy vết, truyền thông, cách ly, chữa bệnh, chống dịch ở Việt Nam.

Thứ nhất chính là vai trò của Chính phủ. Courthouse New Service (Mỹ) đánh giá Việt Nam là “vô địch thế giới không có đối thủ cạnh tranh” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”. Tờ Deutshe Welle (Đức) đã chỉ ra nguyên nhân đưa tới thành công là “Chính phủ đã coi cuộc đấu tranh chống dịch bệnh như chiến dịch quân sự và huy động toàn dân”. Bà Maria Van Kerklove, chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi Việt Nam là tấm gương điển hình đối với các nước khác vì đã “hành động mau lẹ và toàn diện… Đây là điều chúng ta cần được thấy ở tất cả các nước”.

Thứ hai là vai trò của người dân. Mạng The Conversation (Mỹ) ca ngợi “tinh thần cao quý của con người. Mỗi cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện tại Việt Nam đều nhắc nhở chúng tôi về giá trị tinh thần cao quý của con người. Những tấm gương sáng đáng khâm phục về tình đoàn kết có thể giúp tất cả chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này”.

Thứ ba vai trò cơ quan chức năng. Thành công chống đại dịch là một minh chứng sâu sắc cho sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở Việt Nam. Từ lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện cách xác định nguồn lây nhiễm, truy vết ổ dịch của Việt Nam rất bài bản, khoa học, không chỉ theo dõi các trường hợp F1 mà chú ý khoanh vùng cùng các biện pháp cách ly phù hợp với các đối tượng thuộc diện F2, F3 và F4. Việc triển khai hệ thống giám sát công cộng rộng rãi, nâng cao trách nhiệm của hệ thống an ninh cơ sở và sử dụng lực lượng Quân đội, Công an trong quá trình truy vết giúp Việt Nam luôn có hành động sớm và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân. Như đánh giá của tờ The Diplomat, việc đặt tính mạng của người dân lên trên lợi ích kinh tế cũng là chính sách nhân văn đáng phải học tập ở Việt Nam. Thêm vào đó, việc chỉ đạo điều hành hệ thống thương mại, cửa hàng và cả phục vụ cách ly đã cung cấp thuận tiện, an toàn, đầy đủ nhu cầu cho người dân. Các hoạt động từ thiện như “ATM gạo”, “Mỗi ngày một quả trứng”, “Đồ ăn miễn phí”, “… phổ biến ở Việt Nam trong thời gian chống dịch đã được nhân rộng trên toàn thế giới.

Thứ tư là tuyên truyền phòng, chống dịch đầy hiệu quả. Theo đó, việc duy trì minh bạch thông tin về tình hình dịch và thực hiện sớm các biện pháp ngăn chặn, truy vết, cách ly theo từng mức, điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm đợt dịch là những cách thức hay, đảm bảo sự thành công và là kinh nghiệm quý báu cho nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là trong bối cảnh đang có biến thể mới với tốc độ lây nhiễm nhanh, mạnh hơn.

Tạp chí Counter Punch của Mỹ còn nhấn mạnh, các hành động của chính phủ Việt Nam sẽ không thể hiệu quả nếu người dân không phối hợp bằng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách và chỉ rời khỏi nhà khi thực sự cần thiết. “Tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, sự đồng nhất với tập thể ở Việt Nam đảm bảo rằng hầu hết mọi người cư xử bằng sự cảm thông và lòng nhân ái. Việt Nam cũng đã thể hiện sự tương thân tương ái với hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế khác khi có những đóng góp thiết thực vào nỗ lực chống đại dịch của cộng đồng quốc tế như sẵn sàng cung cấp các vật tư, thiết bị y tế “made in Vietnam” và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm chống dịch”,. Đặc biệt, thành tựu về phòng, chống Covid-19 trong nước đã giúp Việt Nam có tiếng nói hơn trên trường quốc tế, thể hiện rõ nét bằng việc Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 75 đồng thuận thông qua Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy về “Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh” (27/12) trong phiên họp toàn thể ở New York (Mỹ) ngày 7/12/2020.

Thực hiện tốt mục tiêu kép và là miền đất hứa của các nhà đầu tư quốc tế

Thành công của Việt Nam trong năm 2020 còn thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài đều ở mức cao. Tờ Nikkei Asia từng có một bài viết với tựa đề “Việt Nam- câu chuyện kinh tế thành công duy nhất ở Đông Nam Á”, trong đó cho hay, bất chấp “kỷ nguyên” đại dịch Covid-19, trong lúc các nền kinh tế khác đang vật lộn để hồi phục, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì hoạt động đạt tốc độ tăng trưởng dương. 

Đặc biệt, sự gia tăng ngày càng nhiều của đầu tư nước ngoài vào các dự án mới vào Việt Nam. Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Jacques Morisset khẳng định, Việt Nam đã đạt được thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng Covid-19. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp. Bài viết của Free Malaysia Today hồi cuối 2020 thì lý giải, Việt Nam đang trên đường trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và là một địa điểm thu hút được nhiều vốn đầu tư quốc tế. 

Còn trang mạng Seeking Alpha của Mỹ phân tích, một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn so với các nước khác là chi phí lao động cạnh tranh, thêm vào đó, yếu tố ổn định chính trị và chống dịch Covid-19 hiệu quả đã “tạo nên ưu điểm khó thay thế ở Việt Nam”. Trích dẫn khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ, Seeking Alpha cho hay, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu cho xu thế dịch chuyển sản xuất trên thế giới hiện nay, tăng từ 17% năm 2018 lên 36% năm 2019 và tăng gần 50% trong năm 2020.

Một dấu ấn khác của Việt Nam là trách nhiệm và sáng kiến thúc đẩy quan hệ quốc tế, sự thành công trong vai trò kép Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi thậm chí còn bày tỏ, Việt Nam đã “tập hợp thành công ý chí và nguồn lực chung của cả khu vực; vạch ra con đường phục hồi kinh tế-xã hội toàn diện và bền vững; giúp tăng cường mối quan hệ hữu nghị và làm sâu sắc thêm lòng tin giữa các quốc gia thành viên cũng như với các đối tác bên ngoài”. Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Úc) khẳng định, Việt Nam đã nâng tầm vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu trong bối cảnh thế giới đầy thách thức và biến động. 

Còn nhà báo nổi tiếng của Nga và là chuyên gia về các vấn đề quốc tế Adam Shamir nhận xét, Việt Nam đã chủ động thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt trong 4 lĩnh vực gồm: ứng phó với đại dịch Covid-19; tạo dựng vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường; ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); củng cố tuyên bố mang tính chính sách của ASEAN về Biển Đông bằng cách nhấn mạnh luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982…

Thật tự hào Việt Nam điểm sáng !

Trần Công Nghệ

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất