20 C
Hanoi
Thứ Sáu, Tháng Ba 31, 2023
spot_img

Việt Nam “mở cửa” lại bầu trời

Việt Nam “mở cửa” lại bầu trời

Đỗ Nam Trung

Việt Nam sẽ chính thức “mở cửa” lại bầu trời sau gần 6 tháng (từ cuối tháng 3-2020) tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngày 15-9, các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được mở lại và sau đó một tuần, ngày 22-9 tiếp tục với các chuyến bay đi và đến Lào, Campuchia, Đài Loan. Dự kiến, trong tháng đầu tiên sẽ có khoảng 20.000 khách nước ngoài.

Việc mở cửa trở lại một số đường bay không những đánh dấu thành công của Việt Nam trong việc cơ bản khống chế đại dịch Covid, mà còn thể hiện quyết tâm cao của chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế”.

Mở cửa lại các chuyến bay thương mại cũng như dần dần khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh tế, thương mại nhằm thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh tình hình đại dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, thực sự là bài toán vô cùng khó trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính phủ, nhưng không thể trì hoãn thêm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu không để đứt gãy nền kinh tế. Còn theo một quan chức chính phủ, hiện nay nhu cầu của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư sang Việt Nam là rất lớn, nếu đóng cửa và cách ly 14 ngày thì sẽ rất ít người muốn sang.

Trong những ngày tới, tại các sân bay sẽ có khu cách ly tại sân bay để tổ chức lấy mẫu và chờ xét nghiệm. Sau khi được lấy mẫu, hành khách sẽ chỉ mất khoảng 2-4 tiếng để xét nghiệm và nhận kết quả. Với biện pháp mới này, việc cách ly bắt buộc 14 ngày áp dụng với tất cả mọi người sẽ là không cần thiết.

Trong hơn 1 tháng qua, kể từ đợt bùng phát thứ hai của dịch bệnh, Việt Nam vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, nhưng đồng thời vẫn cố gắng tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất, lưu thông hàng hóa. Chính phủ tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô và phạm vi hợp lý, không làm bế tắc các hoạt động kinh tế, xã hội.

Tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2020 vẫn tiếp tục có nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội, môi trường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước… Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng khoảng 2,8%.

Với đại dịch Covid sẽ không có một quốc gia nào được coi là hết dịch hoàn toàn khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, số người bị lây nhiễm và số ca tử vong vẫn tăng lên từng ngày. Đến ngày 14/9/2020, thế giới đã có khoảng 29 triệu ca nhiễm và con số tử vong đang tiến gần tới con số 1 triệu. Ở Việt Nam, đã gần 14 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid trong cộng đồng. Đà Nẵng, Hải Dương… đã trở lại “trạng thái bình thường mới” như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Việt Nam sẽ không lơ là, mất cảnh giác, buông lỏng kiểm soát dịch bệnh, nhưng đang tự tin mở cửa trở lại nền kinh tế từng bước vững chắc./.

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi

90,393Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
26Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất

Hương Sen Việt