
Năm 2020 sắp qua là một năm đen tối với thế giới với đại dịch Covid-19 bùng nổ và lây lan tại hầu hết các nước làm gần 80 triệu người bị lây nhiễm, hơn 1, 7 triệu người tử vong và tại thời điểm nay vẫn đang có những diễn biến rất khó lường. Kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề nhất kể từ 1930 và chưa biết bao giờ mới có khả năng phục hồi. Phần lớn các hoạt động ngoại giao, du lịch, vui chơi giải trí… bị đình trệ trong suốt một thời gian dài.
Trên nền bức tranh toàn cầu màu xám Việt Nam nổi lên như một ngôi sao sáng. Sau khi khống chế thành công hai đợt bùng phát đại dịch Covid trong năm 2020, cái tên Việt Nam đã liên tục “phủ sóng” toàn thế giới. Báo chí quốc tế không ngừng thán phục hiện tượng Việt Nam, coi Việt Nam như một “điều thần kỳ”, “một phép màu”. Ngay vào những ngày cuối năm, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở mức cao nhất thì người dân Việt Nam được thoải mái đến các nhà thờ trên toàn quốc tận hưởng không khí Giáng sinh và chào đón năm mới. Có cảm giác như đại dịch Covid-19 chưa từng đi qua Việt Nam.
Nhờ nhanh chóng khống chế được đại dịch Covid, Việt Nam đã sớm chuyến sang trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh. Với mức tăng trưởng kinh tế được Ngân hàng Thế giới dự báo khoảng từ 2,5-3% trong năm nay, hãng tư vấn “Capital Economics” của Anh nhận xét Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất của thế giới trong năm 2020. Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và khu vực đều tăng trưởng âm (Mỹ: – 4,4%, Nhật Bản: – 5,3%, Đức: – 6%, Canada: – 7,1%, Anh và Pháp: gần -10%, Malaysia: – 6,1%, Thái Lan: – 10,4%…), các tổ chức quốc tế theo dõi kinh tế Việt Nam đã không ngần ngại dành cho Việt Nam những lời khen ngợi: “điểm sáng hiếm hoi”, “sự thần kỳ mới”. Việt Nam đang trở thành miền “miền đất hứa” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên lĩnh vực chính trị, đối ngoại, năm 2020 Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ kép: Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Trong vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thành công trong việc chèo lái con thuyền ASEAN cùng các nước vượt qua các thách thức trong năm đại dịch Covid, giữ vững đà liên kết, xây dựng cộng đồng và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN. Bà Cartlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam đã thực hiện rất tuyệt vời vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020”.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại có ý nghĩa rất quan trọng đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, được ký kết ngày 15/11/2020 tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 tại Hà Nội càng cho thấy vai trò quan trọng của nước Chủ tịch Việt Nam.
Với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và các cam kết trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã cố gắng kết nối, thúc đẩy hành động chung cũng như thông qua ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề, bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch Covid-19.
Tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng và tạo được nhiều dấu ấn. Cách đây ít ngày, Đại hội đồng LHQ vừa thông qua Nghị quyết về thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hằng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ.
Trong điện chúc mừng 75 năm Quốc khánh Việt Nam, Tổng thư ký LHQ ông Antonio Guterres khẳng định, Việt Nam là một đối tác mạnh của LHQ. Việt Nam được nhắc đến nhiều lần như là “hình mẫu của các nước đang phát triển, các nước vươn lên từ đói nghèo, từ đổ nát chiến tranh”.
Mới đây nhất, ngày 20/12/2020, Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã công bố “Giải thưởng toàn cầu VinFuture”, một giải thưởng trong lĩnh vực khoa học – công nghệ có giá trị lớn nhất cho đến nay trên thế giới. VinFuture được kỳ vọng sẽ trở thành giải “Nobel thứ 2”, tạo dấu ấn Việt Nam trong hoạt động khoa học quốc tế.
Bất chấp đại dịch Covid và các thách thức về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, năm 2020 rõ ràng là một năm thành công của Việt Nam. Cái tên Việt Nam đã xuất hiện nổi bật như một ngôi sao sáng trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu trong suốt một năm qua. Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến như một đất nước yêu chuộng hòa bình, an toàn trong cuộc sống, có nhiều tiềm năng phát triển, ít rủi ro trong đầu tư, có độ tin cậy chiến lược cao và một quốc gia có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Chưa bao giờ vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam cao như hiện nay./.
Đỗ Nam Trung