Lịch sử mấy ngàn năm dân tộc Việt Nam thường xuyên phải đánh đuổi quân xâm lược để giữ nền độc lập và trừng trị gian thần, nội tặc phản động và chống phá đất nước.
Xưa đã thế, nay cũng vậy, luôn có những kẻ vong ân bạc nghĩa làm thuê nói dối, sẵn sàng quay lưng phản bội Tổ quốc, xuyên tạc cả những giá trị văn hóa lịch sử trầm tích của dân tộc Tổ quốc. Lạ lùng cứ khi cơ quan chức năng Việt Nam thực thi nhiệm vụ điều tra, xử lý một cá nhân, tổ chức nào vi phạm pháp luật, làm sai quy định của Đảng, Nhà nước thì có những kẻ lại vin vào đó để nói xấu Đảng, Nhà nước hoặc theo kiểu “vơ đũa cả nắm” hoặc cho là “đấu đá”… Chúng sống kiểu đó như kền kền chửi thuê mà không thấy tủi thấy nhục, kể cũng là một “cái tài”.
Những kẻ đó không chỉ nói xấu Đảng, Nhà nước, mà còn nói xấu cả dân tộc của mình, một dân tộc anh hùng, không chịu khuất phục trước mọi áp bức cả về chính trị và kinh tế, văn hóa, luôn khẳng định ý chí độc lập tự cường sẵn sàng đánh đuổi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào lăm le xâm lược đất nước.
Cần nhắc lại rằng, lịch sử giành và giữ nền độc lập quốc gia dân tộc đã khẳng định hệ giá trị văn hóa tự cường, bao gồm cả những trầm tích văn hóa kết tụ qua lao động sản xuất, qua đấu tranh thiên nhiên dịch dã, giặc dã, luôn là niềm trăn trở, niềm lạc quan, niềm tự hào lịch sử, niềm tin vào bản lĩnh và tương lai của dân tộc Việt Nam.
Điều đó thể hiện rõ qua những tuyệt phẩm áng văn hùng kiêu. “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, áng thơ này còn được gọi là bài “thơ thần” và được coi như bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của Việt Nam (1077), có tác động mạnh mẽ nhân lên sức mạnh tinh thần, niềm tin chiến thắng. “Hịch tướng sĩ”(1284) của Trần Hưng Đạo, “…Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm…”. Bài Hịch thức tỉnh binh sĩ về trách nhiệm và tinh thần tự cường dân tộc, phải vượt qua cám dỗ, yếu hèn tầm thường yểu nhược để đấu tranh bảo vệ dân tộc, giống nòi, bảo vệ văn hóa, hồn cốt và bờ cõi quốc gia.
“Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi (1428), được dân gian và nhiều thế hệ coi là một áng thiên cổ hùng văn, với chỉ gồm 1.343 chữ đã khái lược lịch sử đất nước, dân tộc hoàn chỉnh. Giá trị nổi bật của bài cáo là đã khẳng định sâu sắc ý chí vượt khó khăn, chiều sâu văn hóa và khí thiêng non nước, khả năng tự chủ, ý thức tự cường, đoàn kết tướng sĩ một lòng phụ tử giành độc lập dân tộc… Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Cõi bờ song núi đã riêng/Phong tục Bắc, Nam cũng khác… Vượt lên mọi cản trở, định kiến áp đặt và bá quyền, Việt Nam vẫn kiêu hùng và không khuất phục. Vẫn luôn có tâm thái lạc quan một lý tưởng lớn độc lập dân tộc và thịnh vượng trường tồn “Xã tắc từ đây vững bền/Giang sơn từ đây đổi mới/Càn khôn bĩ rồi lại thái/Nhật nguyệt mờ rồi lại trong/Muôn thuở nền thái bình vững chắc/Ngàn thuvết nhục nhã sạch làu”.

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi khi xem clip tư liệu Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9 tôi không khỏi thật xúc động tự hào. Chỉ hơn 1000 từ với nội dung ngắn gọn, súc tích, ngôn từ sắc sảo, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh thể hiện một ý thức mạnh mẽ với kiến thức tầm nhìn uyên bác, lập trường chắc chắn về quyền độc lập tự cường của quốc gia dân tộc Việt Nam. Không chỉ khẳng định nguyên tắc pháp lý về quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, mà còn khẳng định thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất để bảo vệ các quyền dân tộc thiêng liêng đó. Kết thúc bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh khẳng định ý chí đanh thép, một dân tộc gan góc chống ách nô lệ…, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít…, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!.
Thực tế cho thấy, với tầm nhìn xa, trông rộng, sự mẫn cảm về chính trị và thực tiễn, Hồ Chí Minh thấu hiểu việc giành được nền độc lập đã khó, để giữ được nền độc lập và thành quả cách mạng còn khó hơn nhiều. Trong Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, Người mạnh mẽ yêu cầu đòi hỏi các quốc gia phát triển phải công nhận nền độc lập của dân tộc Việt Nam một cách bình đẳng trên bản đồ thế giới và trên thực tiễn. Bản Tuyên ngôn độc lập như một vũ khí pháp lý – ngoại giao đặc biệt sắc bén để chống lại kẻ thù khi viện dẫn hai câu được coi là “bất hủ”, là “khuôn thước” của cách mạng Pháp, nước Mỹ để dẫn luận. “Chân lý cao cả” về độc lập và bình đẳng về con người, giữa các dân tộc đó mà nhân dân Pháp, Mỹ và nhiều nước khác cũng trải qua lịch sử và phải đổ nhiều máu xương để đấu tranh mới giành được.
Khi bước vào xây dựng và bảo vệ nền độc lập, việc chống giặc nội xâm được đặt ngang hàng cấp thiết với giặc ngoại xâm. Bởi vậy, thời xưa cũng vậy và thời nay cũng thế. Việc thường xuyên đề cao cảnh giác làm thất bại âm mưu của các loại giặc, nhất là giặc nội xâm như cán bộ suy thoái biến chất, kẻ cơ hội bất mãn phá hoại, những kẻ phản động cực đoan và cả giặc dịch Covid19… luôn là việc quan trọng cần kíp và là trách nhiệm của mọi công dân để cho một dân tộc phát triển trường tồn và thịnh vượng./.
Đông An